THUYẾT MINH DU LỊCH VỀ CHÙA CẦU - HỘI AN



Chào mừng quý khách đến với Đô thị cổ Hội An. Xin tự giới thiệu, tôi tên là ……, hướng dẫn viên tại điểm của Hội An. Hôm nay xin hân hạnh được hướng dẫn quý khách tham quan một công trình được xem như một biểu tượng của Hội An cũng như là biểu tượng của một thời phát triển hưng thịnh nhất của nước Việt xưa, là nơi giao thương sầm uất, giao lưu văn hóa đặc sắc. Đó chính là Chùa cầu. Người Hội An rất tự hào vì biểu tượng nổi tiếng này đã có mặt trong tờ tiền 20.000 đồng của Việt Nam. 

Chúng ta đang đứng ở đường Bạch đằng từ đây ta thấy được Chùa Cầu với dáng vẻ đẹp nhất của nó. Cũng giống như hầu hết các công trình khác được xây ở Hội An, Chùa cầu cũng hướng ra phía bờ sông.Trước khi giới thiệu về công trình này, tôi xin phép được giới thiệu đến quý khách đôi điều về đô thị cổ Hội An. 

Hội An có diện tích khoảng hơn 6 ngàn ha với dân số lên đến 121.716 người. Đây là một thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam có nhiều khu phố cổ được xây từ thế kỷ 16 và vẫn còn tồn tại gần như nguyên vẹn đến nay. Phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là một di sản thế giới từ năm 1999. Hội An nằm bên bờ sông Thu Bồn. Nơi đây xưa kia đã có một thời nổi tiếng với tên gọi Faifoo mà các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Ðào Nha, Italia v.v.. đã biết đến từ thế kỷ 16, 17. Từ thời đó, thương cảng Hội An đã thịnh vượng, là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á, một trong những trạm đỗ chính của thương thuyền vùng Viễn Ðông. Sau này, vào khoảng thế kỉ XIX, điều kiện tự nhiên biến động nhiều, các con sông đổi dòng chảy, cửa Đại Chiêm bị phù sa bồi đắp và cạn dần, những tàu buôn trọng tải trên 100 tấn khó mà vào được bằng đường Cửa Đại bởi vậy muốn vào được Hội An, phải đi băng qua Cửa Hàn. Ngoài ra, do tình hình chính trị, Nhật Bản tiến hành chính sách “bế quan tỏa cảng” và chính sách mở cửa của các nước khác như Trung Quốc. Dần dần vai trò là một thương cảng quan trọng của Hội An suy giảm dần và kết thúc thời kỳ thương cảng thuyền buồm và nhường chỗ cho thương cảng thuyền máy Đà Nẵng phát triển.

Khác với nét trầm mặc, cổ kính của Cố Ðô Huế, nét sôi động nhộn nhịp của chợ Lớn, nét cổ truyền nơi đây mang một vẻ thuần khiết hồn hậu, thu hút những tâm hồn ưa chuộng lãng mạn của những ngày xa xưa. Đó chính là nhờ dáng vẻ cổ kính của các ngôi chùa, hội quán, nhà cổ và cả nếp sống bình dị của người dân nơi đây. Thị xã có dãy phố cổ gần như nguyên vẹn, đó là loại nhà hình ống xuyên suốt từ phố nọ sang phố kia. Trong đó có một dãy phố nằm sát ngay bờ sông Hội An. Nhà ở đây toàn bằng gỗ quý, trong nhà treo hoành phi, câu đối, cột nhà trạm trổ hoa văn rất cầu kỳ... Ðặc biệt, khu phố cổ mang một vẻ lãng mạng, sâu lắng và bình yên dưới ánh đèn lồng huyền ảo mỗi đêm 14 âm lịch hàng tháng. Xin mời quý khách đến với Hội An vào những đêm rằm như thế này để có thể cảm nhận được hết cái hồn của phố xưa.

Kính thưa quý khách, trước mắt quý khách là Chùa Cầu - cây cầu đã được xây dựng cách đây khoảng chừng 400 năm nhưng cho đến nay vẫn còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Cầu này được gọi là Chùa Cầu bởi vì ngay trên cầu có một ngôi chùa do người Hoa xây dựng sau khi cầu hoàn thành 50 năm. Cây cầu này ra đời vào năm nào, cho đến nay niên đại xây dựng cầu còn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên trong thư tịch cổ của nước ta, tên gọi của nó là Nhật Bản kiều được tìm thấy vào năm 1617, có nghĩa cầu có thể ra đời trước niên đại đó và kể từ đó đến nay, cầu cũng trãi qua nhiều lần trùng tu. Kính thưa quý khách, chiếc cầu trông nhỏ bé là vậy nhưng lại mang trên mình nó nhiều chức năng khác nhau. Đầu tiên là làm cho giao thông thuận tiện. Các thương nhân người Nhật Bản đã xây dựng cây cầu này nhằm nối liền phố Nhật ở phía Đông và phố Khách ở phía Tây của cảng thị Hội An. Ngoài ra, theo như một văn bia đặt ở đầu cầu, dựng vào thế kỷ 17 nên người ta còn biết được cầu còn là nơi dừng chân nghỉ ngơi ngắm cảnh của khách bộ hành. Và thật ý nghĩa là mãi cho đến ngày nay, cầu vẫn giữ được chức năng như thế. Kính thưa quý khách, điều đặc biệt hơn nữa là đây không chỉ đơn thuần là một cây cầu hay một ngôi chùa mà nó còn là nơi bày bán hàng trong những ngày hội chợ và là nơi hội họp của xóm làng ngày trước, với ước mơ về một cuộc sống giao hòa tương thân tương ái của cộng đồng. 

Cầu Nhật Bản không chỉ là một công trình giao thông mà còn là một kiến trúc tín ngưỡng của người Nhật Bản nữa. Điều này thể hiện qua một câu chuyện truyền thuyết chung của ba cộng đồng người Việt, người Nhật, người Hoa khi họ cùng sinh sống tại cảng thị Hội An xưa. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia ở ngoài đại dương có một loài thuỷ quái mà người Việt gọi là Con Cù, người Nhật gọi là Mamazu, người Hoa gọi là Câu Long. Đầu của nó ở Nhật Bản, đuôi của nó ở Ấn Độ và lưng của nó vắt qua khe ở Hội An. Mỗi khi con thuỷ quái đó quẫy mình thì nước Nhật bị động đất và Hội An không được yên ổn để người Nhật, người Hoa, người Việt được bình yên làm ăn buôn bán.Vì vậy, để yểm con thuỷ quái đó, người Nhật đã thờ hai tượng thần Khỉ và thần Chó, đặt ở hai đầu cầu mà lát nữa khi lên cầu tôi sẽ chỉ cho quý khách thấy cũng như giải thích tại sao lại thờ hai tượng khỉ và chó mà không phải là con vật khác.

Kính thưa quý khách, có thể nói Chùa Cầu là một công trình kiến trúc đặc biệt của Hội An nói riêng và Việt Nam nói chung. Cầu rộng 3 thước, dài 18 thước. Hai gian đầu hợp với 7 gian giữa tạo chữ "Công". Cầu được làm theo kiểu "Thượng gia hạ kiều", có nghĩa là trên là nhà, dưới là cầu. Ở Việt Nam, loại hình kiến trúc này còn thấy ở nhiều nơi tại phía Bắc như ở các tỉnh Hà Tây, Hải Hưng, Hà Nam với các cầu có mái như cầu Khúc Thoại, Phú Khê.... và tại miền Trung như ở tỉnh Thừa Thiên Huế với cầu Thanh Toàn. Nếu có dịp xin mời quý khách đến để chiêm ngưỡng. .

Xin mời quý khách nhìn lên mái cây cầu này ạ!

Mái cầu lợp ngói âm dương, bờ nóc đắp nổi hình "Lưỡng Long tranh châu" cách điệu. Hai bên tường của cổng ra vào ở phía tây và phía đông cầu Nhật Bản ban đầu có hai câu đối chữ Hán đắp nổi, nhưng qua năm tháng bị mờ dần để sau cùng bị mất hẳn và người Minh Hương đã thay vào đó bằng hoa văn đắp nổi hình quả phật thủ rất sinh động. Dọc hai bên lối đi có bệ gỗ nhỏ và dài, ngày xưa làm nơi bày bán hàng trong những ngày hội chợ.

Bây giờ xin mời quý khách lên cầu ạ! Kính thưa quý khách, chúng ta đang đứng giữa cầu. Nhìn về hai bên đầu cầu , quý khách có thể thấy đều có các tượng thú bằng gỗ đang đứng chầu. Đó chính là tượng khỉ và chó mà tôi đã nhắc đến đấy ạ!

Đầu cầu bên này thờ đôi khỉ và cuối cầu thờ đôi chó. Tư thế đứng chầu của chúng không chỉ cho thấy đây là những công trình tạo hình giàu tính nghệ thuật mà còn thấy được bàn tay tài hoa và khối óc sáng tạo của các nghệ nhân Việt Nam làng Kim Bồng từ những thế kỷ trước. Kính thưa quý khách, xung quanh việc thờ hai con vật này, cũng có nhiều giả thuyết được đưa ra. Có người cho rằng chó Linh và Khỉ Gia Nhân vốn được coi như là các vị thần do Thái Dương Thần Nữ – vị nữ thần hộ mệnh của người Nhật phái xuống làm thần hộ mệnh cho người qua cầu. Ngoài ra, khỉ và chó, trong tâm thức dân gian của người Hội An thì chúng là những con vật thần giúp trừ tà và đem lại bình an cho mọi người. Với niềm tin đó mà mới ra đời những câu ca dao dân gian cổ mang đạm chất thi ca như:

Hội An có bốn nàng tiên,

Hai nàng tuổi Tuất hai nàng tuổi Thân...

Còn đối với người Nhật, sỡ dĩ người Nhật thờ Thần khỉ và thần chó ở hai đầu cầu vì trong tín ngưỡng của đất nước này chúng là những con vật tổ linh thiêng và người Nhật tin rằng chúng có đủ quyền lực để yểm trừ loài thuỷ quái. Ngoài ra, có thể có một sự trùng hợp nào chăng trong thời gian xây dựng cầu mà một số người đã cho rằng việc người Nhật dựng tượng đôi chó và đôi khỉ trên cầu là để ghi nhớ năm khởi công và năm hoàn thành của cầu vào năm Thân và năm Tuất. Hiện nay ở đây vẫn còn lưu giữ bốn tấm bia lớn và trên mỗi tấm bia có ghi lại những lần tu sửa cầu 

Chùa Cầu là sự kết hợp phong cách kiến trúc của ba nước Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc. Nếu nhìn từ bên ngoài, quý khách có thể thấy cầu mang dáng dấp phong cách kiến trúc Nhật Bản thể hiện nổi bật ở hệ thống mái uốn cong mềm mại với độ dốc nhỏ gần như nằm ngang, khác với độ dốc mái truyền thống của các kiến trúc thuần Việt có độ dốc mái 50% thì đứng tại đây, quý khách cũng có thể nhận ra sắc thái kiến trúc của đất nước mặt trời mọc này thông qua những tấm ván được lát hình vòng cung ở mặt cầu. Vậy thì sắc thái kiến trúc Việt nó nằm ở đâu trên cây cầu này? Xin mời quý khách hướng mắt nhìn lên trên ạ! Vâng, kính thưa quý khách, bộ vì kèo của cầu chính là nơi chứa đựng những nét độc đáo của kiến trúc thuần Việt được thiết kế theo kiểu vì chồng dấu con sơn với sự biến thể thành vì vỏ cua trông rất ngoạn mục ở hai gian đầu cầu. Rường nhà được thiết kế theo loại vì “chồng rường giả thủ” vì trông các rường chồng lên nhau và úp xuống như hình bàn tay nên được gọi là như vậy.

Cầu và chùa tuy là hai cá thể riêng biệt nhưng đã được gắn vào nhau thành một phức hợp thống nhất hình chữ "Đinh" và cũng từ đó ra đời cái tên gọi mới "Chùa Cầu" thân thiết đối với cư dân cảng thị Hội An. Vào đầu thế kỷ 17, Mạc Phủ đã ra chiếu chỉ buộc những công dân Nhật Bản đang ở nước ngoài phải hồi hương. Trước tình hình đó, cộng đồng người Việt và người Minh Hương - người Hoa tự nguyện gia nhập quốc tịch Việt Nam - ở Hội An đã tiếp quản cầu Nhật Bản. Và sau đó chừng nửa thế kỷ, vào khoảng năm 1653, người Minh Hương đã bỏ tiền ra xây dựng thêm một ngôi chùa nhỏ bên cạnh cầu và người Việt Nam đã thiết kế và thi công công trình tín ngưỡng này. Cho nên có thể nói, cho đến thời điểm bấy giờ, ngoài kiến trúc của Nhật Bản và Việt Nam, cầu đã có thêm sắc thái kiến trúc của Trung hoa.. Một cây cầu mang 3 nền văn hoá.

Chùa và Cầu được phân ranh giới bởi những vách gỗ và bộ cửa "thượng song hạ bản", tạo nên hai không gian kiến trúc riêng biệt: bên ngoài, cầu là đường giao thông công cộng, bên trong, chùa là nơi thờ tự thâm nghiêm, chỉ mở cửa vào những ngày tế lễ nhất định.

Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu nhân chuyến tuần du ở thương cảng Hội An biết rằng cầu do những người Nhật Bản xây dựng nên đã đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn Kiều, với ý nghĩa là "cầu của những người phương xa xây dựng”. Và đó là lý do có bức hoành phi sơn son thếp vàng chạm nổi ba chữ vàng lộng lẫy "Lai Viễn Kiều" với dấu ấn của Chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu phía bên trái được treo phía trên cửa chùa như quý khách thấy đây ạ. Dưới bức hoành phi là đôi "mắt cửa" tròn sơn đỏ được tạo hình bốn bông cúc bao quanh bởi các xoáy lưỡng nghi truyền thống Việt Nam. Không có gì chủ quan khi khẳng định rằng mắt cửa là hình tượng đặc thù và duy nhất của phố cổ Hội An. Mắt cửa vừa là vật trang trí, vừa là vật “canh giữ” cho ngôi nhà. Theo niềm tin của người dân địa phương thì mắt cửa mang ý nghĩa tâm linh nhiều hơn ý nghĩa về mặt kiến trúc. Với hình bông cúc, hình bát quái, hình mặt trời… mắt cửa trong tâm nguyện của người dân là tìm kiếm sự may mắn, an lạc, xua đuổi những điều càn quái, xấu xa. Trên hai cánh cửa của chùa còn có hai họa tiết chạm nổi hình con sư tử và chiếc quạt mang phong cách nghệ thuật Nhật Bản. 

Xin mời quý khách vào bên trong chùa và tôi xin được giới thiệu về ngôi chùa này. Bộ vì kèo của chùa được thiết kế theo mẫu kiến trúc thuần Việt với bộ vì "cột trốn kẻ suốt" mà mộng của nó ăn liền với bộ vì kèo của cầu một cách hài hòa, điêu luyện.

Trong chùa thờ một vị thần có nguồn gốc Trung Hoa là Bắc Đế Trấn Võ hay còn gọi là Huyền Thiên Đại Đế - là vị thần chủ về phương Bắc. Theo thuyết Ngũ hành, phương bắc ứng với hành thủy (nước) nên vị thần này có uy lực trị thủy, diệt trừ thủy quái. Tín ngưỡng này khởi nguyên từ Trung Hoa. Ông còn là vị thần bảo hộ xứ sở, mang may mắn đến cho mọi người. Ngoài ra, ông được thờ ở đây còn với mục đích chính là khống chế con Câu Long gây ra địa chấn để mang lại sự bình yên cho cộng đồng người Hoa, người Việt, người Nhật sinh sống và làm ăn trên cảng thị Hội An. Trên bệ thờ xây giữa chùa là bức tượng của vị thần đang đứng với tư thế oai nghiêm, một chân đạp lên lưng một con rùa và một tay đang nắm chặt lấy thân một con bò sát đang quằn quại, tượng trưng cho con Câu Long. Trên khám thờ có khắc đôi câu đối chữ Hán ca ngợi uy danh của vị thần. 

Hiển hách oai thần nơi khuyết Bắc

Rỡ ràng đức đế chốn trời Nam.

Kính thưa quý khách, Cầu và Chùa tuy là hai đơn vị kiến trúc đã được xây dựng cách nhau khoảng nửa thế kỷ, nhưng khó mà phân biệt được những sai khác trong từng cấu kiện kiến trúc giữa chúng trong một tổng thể di tích. Sự phức hợp kiến trúc này là một đặc điểm độc đáo của kho tàng kiến trúc Việt Nam, duy nhất có mặt tại đô thị cổ Hội An, một chứng minh hùng hồn cho sức sáng tạo của phong cách kiến trúc Hội An, do các nghệ nhân Kim Bồng đã tạo ra trong những thế kỷ trước đây. Có thể nói rằng Chùa Cầu không những là một tích văn hóa lịch sử mà nó còn là kết quả của sự giao thoa của nhiều dòng văn hóa của dân tộc Đông Nam Châu Á và Viễn Đông, cửa sự thẩm thấu và hòa điệu của nhiều phong cách nghệ thuật của Việt Nam, Trung Hoa và Nhật Bản bởi nó là cây cầu mang âm hưởng kiến trúc của 3 nền văn hóa mà vừa rồi tôi đã giới thiệu cụ thể với quý khách. Đây là một nhịp cầu nối liền tình hữu nghị giữa ba dân tộc Việt Nam - Nhật Bản - Trung Hoa không chỉ trong những thế kỷ 16 – 17 mà mãi mãi về sau nó vẫn là biểu tượng của tình hữu nghị cao quý đó.

Tôi hy vọng rằng chùa cầu Hội An sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng quý khách giống như ấn tượng mà cây cầu này đã đem lại cho tác giả của đoạn thơ mà bất cứ người Hội An nào cũng biết đến. Đó là:

Ai đi phố Hội Chùa Cầu

Để thương để nhớ để sầu cho ai

Để sầu cho khách vãng lai

Để thương để nhớ cho ai chịu sầu.



Quý khách có 15 phút để chụp ảnh, tham quan, thắp hương. Sau đó chúng ta sẽ tiếp tục đi thăm hội quán Quảng Đông.


Nguồn: Bruce Nguyen Tour Guide
- - 2 bình luận
CHUYÊN MỤC :

BÌNH LUẬN (2)

Một số lưu ý khi bình luận

Mọi bình luận sai nội quy sẽ bị xóa mà không cần báo trước (xem nội quy).

Bấm Thông báo cho tôi bên dưới khung bình luận để nhận thông báo khi admin trả lời.

Để bình luận một đoạn code, hãy mã hóa code trước nhé!