Thưa quý khách! như chúng ta đã biết thì Hội An là 1 thành phố nhỏ bé của tỉnh Quảng Nam nhưng nơi đây là nơi đã chứng kiến 2 cuộc giao thoa văn hoá lớn trong lịch sử Việt Nam.Lần thứ nhất là cách đây hơn 5 thế kỉ khi nước Đại Việt mở rộng bờ cõi về phía Nam của Chúa Nguyễn Hoàng, lần 2 là cách đây 2 thế kỉ khi người phương Tây với các chiến thuyền và thương thuyền đặt chân lên mảnh đất này với ý đồ thôn tính và xâm chiếm thuộc địa. Cả 2 sự kiện đó đã tạo nên những tương tác văn hoá lớn lao và văn hoá Việt đã vượt qua thử thách để tự cải biến và tồn tại với thời cuộc. 

Và Hội An là điển hình của 1 cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á vào thế kỉ 15 - 16 phát triển rực rỡ vào thế kỉ 17 - 18. Điều dặc biệt Hội An là phố cổ duy nhất ở Việt Nam vẫn bảo tồn và giữ được gần như nguyên trạng với lối kiến trúc nhà ở truyền thống có niên đại cách đây khoảng 200 - 300 năm và xen vào đó những công trình kiến trúc tôn giáo, đền miếu, hội quán,... là nơi có môi trường sinh thái nhân văn rất độc đáo với các làng nghề, những cảnh sinh hoạt trên sông nước... Đô thị cổ Hội An là kết quả của sự hỗn dung 3 nền văn hoá, ghi dấu ấn sự giao thoa văn hoá của 3 cộng đồng ngươì cùng sinh sống Việt - Nhật - Hoa. Chính vì vậy mà đô thị cổ Hội An đươc UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới vào tháng 12/1999 


Bây giờ mời quý khách cùng tôi vào thăm quan hội quán Phúc Kiến, là 1 di tích nổi tiếng của người Hoa tại phố Hội này. Kính thưa quý khách hiện tại quý khách đang đứng trước cổng chính của hội quán Phúc Kiến. Xin mời quí khách cùng tôi đi qua cửa sắt này để vào bên trong hội quán. Trong lúc chờ soát vé, tôi xin giới thiệu sơ lược với quý khách về sự hình thành của hội quán này: sử Trung Hoa kể rằng vào thế kỉ 17 năm 1649 ở Trung Quốc nhà Thanh tiêu diệt nhà Minh lập ra triều Mãn Thanh, lúc bấy giờ các tướng lĩnh nhà Minh không thần phục nhà Thanh, họ nổi dậy phản Thanh, phục Minh nhưng thất bại. Nhiều người trong số họ đã đưa người nhà lên thuyền vượt biển đến vùng Đông Nam Á, trong đó có Hội An. Họ xin phép chúa Nguyễn cho định cư ở Hội An, lâp ra làng Minh Hương, đó là những người đến từ 5 bang chính: Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam, Haka(Hẹ). Và người Hoa cũng như người Việt sinh sống mang tính cộng đồng rất cao, nên để có thể đoàn kết, giúp đỡ, cùng nhau buôn bán cũng như tương trợ nhau lúc khó khăn hoạn nạn, mỗi bang đã lập ra cho mình 1 hội quán như: hội quán Quảng Đông, hội quán Triều Châu, hội quán Hải Nam, hội quán Lễ Nghĩa và hội quán Phúc Kiến mà quý khách đang ghé thăm đây. Trong những hội quán đó hội quán Phúc Kiến là công trình kiến trúc tiêu biểu nhất. Theo nhiều nhà nghiên cứu, ban đầu nó chỉ là 1 ngôi chùa bằng tranh do người Việt dựng nên để thờ Phật (1697), ngôi chùa này tên là Kim Sơn Tự. Về sau qua năm tháng ngôi chùa bị hư hỏng nặng, người Việt không đủ khả năng để sử chữa, trong khi đó người Hoa buôn bán ở Hội An ngày càng phát đạt. Những thương nhân người Phúc Kiến đã bỏ tiền ra mua lại chùa vào năm 1759. Qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, hội quán đã có dáng vẻ như ngày hôm nay và nười Hoa đổi tên lại là Hội quán Phúc Kiến làm nơi hội họp đồng hương người Phúc Kiến - những người đến Hội An sớm nhất và đông nhất. Hiện nay ở Hội An người Hoa có khoảng 2000 người trong tổmg số 90000 dân Hội An. Ngoài ra chức nă ng chính của hội quán là nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu - vị thần hộ mệnh chuyên cứu giúp những người đi biển còn là nơi thờ 6 vị tổ Lục Tánh Vương gia. 

Thưa quí khách nơi chúng ta đang đứng đây là sân trước của hội quán. Cũng như các hội quán khác của người Hoa, hội quán Phúc Kiến theo kiểu kiến trúc nội công ngoại quốc, nhằm đảm bảo sự thông thoáng và ánh sáng cho toàn bộ công trình. So với các hội quán khác của người Hoa ở Hội An thì hội quán Phúc Kiến có chiều sâu dài nhất và kiến trúc đẹp nhất. Kiến trúc ở đây mang đậm dấu ấn của 3 phong cách kiến trúc Việt - Hoa - Nhật (nhà 3 gian, vì kèo chồng rường giả thủ, mái mai cua). Tôi sẽ giới thiệu rõ hơn cho quý khách khi chúng ta vào tham quan bên trong. Chính vì vậy mà hội quán này đã được Nhà nước Việt Nam cấp bằng di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia vào17/12/1990. 

Bây giờ xin quí khách cùng tôi chiêm ngưỡng cách bài trí của hội quán, bên tay trái của quí khách là là bể nước với hình đôi cá chép lớn diễn tả sự tích cá chép hoá Rổng gắn liền với truyền thuyết 'cá chép vượt vũ môn' kể rằng: đã nhiều năm rồi trời hạn hán, mặt đất không có 1 hạt mưa nào mà số Rồng quá ít, không đủ để làm mưa ở khăp nơi. Bởi thế trời mới tổ chức 1 cuộc thi để kén các con vật lên làm Rồng để phun mưa. Các loài thuỷ tộc nô nức rủ nhau đi dự thi. Cuộc thi có 3 vòng, đó là vượt qua 3 ngọn sóng, con vât nào vượt qua được sẽ được hoá Rồng. Các loài thuỷ tộc thi đều bị loại cả, chỉ có cá rô nhảy được 1 đợt nhưng rơi ngay. Đến tôm đã qua được 2 con sóng vây, đuôi, râu đã mọc ra, đã gần hoá Rồng nhưng đến đợt thứ 3 thì đuối sức ngã gãy lưng, vì vậy mà tôm có hình dạng như ngày nay. Cuối cùng chỉ có cá chép vượt 3 ngọn sóng, lọt vào cửa Vũ Môn trở thành Rồng phun mưa khắp nơi. Vì vậy đối với người Trung Quốc hình tượng cá chép nói lên ý chí vượt qua gian khó đạt đến đỉnh vinh quang, ngoài ra còn nói lên khát vọng phát đạt, mong muốn sự dư thừa, no ấm.

Kính thưa quí khách, xin mởi quý khách cùng tôi đi lên bậc tam cấp này, đây là lư hương lớn của hội quán, ở phía sau 2 bên là tượng 2 con lân tạo vẻ uy nghi cho hội quán và để xua đuổi tà ma, lân cũng là 1 trong 4 con vật tứ linh trong long, lân, qui, phụng, điều này nói lên mong ước thái bình, phồn thịnh, phát đạt của người Hoa. Xin quí khách lưu ý, cặp lân này là lân cái vì đây là nơi Thiên Hậu Thánh Mẫu - vị nữ thần trên biển cả. Xin quí khách hãy nhìn vào cổng Tam quan,ở nơi đình ,chùa, miếu... Cổng Tam quan chính là ranh giới ngăn cách thế giới trần tục và thế giới thần linh vì thế 2 con lân uy nghiêm 2 bên cổng Tam quan cũng ngầm nhắc nhở mọi người sửa soạn, chỉnh đốn lại mình trước khi vào nơi tôn nghiêm. 

Xin quí khách nhìn lên phía trên cổng Tam quan, chúng ta sẽ thấy 3 chữ Hán màu đỏ đề lả "KIM SƠN TỰ" chính là tên của ngôi chùa trước kia, phía dưới là 4 chữ Hán "HỘI QUÁN PHÚC KIẾN". Cổng Tam quan có 3 lối đi, theo thuyết tam tài Thiên Địa Nhân, đi theo qui tắc nam tả - nữ hữu, đó là ngày xưa, còn bây giờ du khách có thể đi tuỳ ý 2 cổng. Còn cổng chính ở giữa rât ít khi mở ra, do sợ các khí xấu xâm nhạp vào trong, cửa này chỉ mở ra vào những dịp lễ lớn, ma chay, cưới hỏi... 

Ở trên các mái của cổng Tam quan được khảm sành sứ giống nghệ thuật khảm sành sứ ở Huế và mái lợp bằng ngói âm dương với nửa ngói âm 1 nửa ngói dương ghép lại - đây là loai ngói phổ biền và tiêu biểu của kiến trúc nhà cổ ở Hội an. Trên các góc mái cong vút theo kiểu đình, chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ, ở các đầu có hình rồng uốn lượn. Trên nóc cổng có tháp phỏng theo cấu trúc cổng Tam quan, ở mái tháp trang trí mô típ "lưỡng long chầu hồ lô" - hồ lô là chiếc bình chứa linh khí, tinh tuý của Trời Đất. Ở dưới chính giữa treo viên ngọc màu đỏ, 2 bên là tượng ông Nhật và bà Nguyệt tượng trưng cho sự cân bằng, hài hoà âm dương trong vũ trụ, trong vũ tru âm dương có cân bằng, hài hoà, vạn vật mới sinh sôi, nảy nở, phát triển. 

Bây giờ xin mời qúy khách đi vào bên trong, qua khỏi cổng Tam quan, bên tay trái của mình quý khách sẽ thấy 1 mô hình thu nhỏ "Vạn Lí Trường thành " của Trung Quốc.

Kính thưa quý khách, chúng ta đang đứng trong tiền điện. Ở đây có một bộ bàn đá nơi chúng ta đang ngồi đây. Nó được dùng làm nơi hội họp, bàn bạc làm ăn của các thương dân Phúc Kiến xưa kia. Quí khách có để ý‎ những vòng hương đang được treo đây không? Đây là một nét nỗi bật của hội quán Phúc Kiến, Tương truyền rằng, Hội Quán Phúc Kiến hay còn gọi là chùa Phúc Kiến rất linh thiêng nên khách hành hương thường hay đến đây và thắp những vòng hương lớn này để cầu chúc sức khoẻ, tài lộc, cho gia đình, bạn bè và cho bản thân. Những vòng hương này được bán ngay tại Hội Quán, nhưng không được phép mang ra ngoài mà phải thắp ngay tại đây. Mỗi vòng hương như vậy cháy trong khoảng 30 ngày. Nếu như có vòng hương nào tắt trước khi cháy hết thì những người trong Hội Quán sẽ thắp lại. Trên các khoanh nhang người cúng thường hay viết một tờ giấy màu vàng có ghi họ tên đầy đủ của cả gia đình, địa chỉ… để mong muốn được bà phù hộ độ trì cho công ăn việc làm được thuận buồm xuôi gió. Và khi vòng hương cháy hết thì người trong Hội Quán sẽ lấy những mảnh giấy này đốt thành tro. Như vậy lời ước mới linh thiêng.

Xin mời quí khách nhìn về phía bên tay phải mình, đó là bức tranh bà Thiên Hậu Thánh Mẫu cùng với người hầu của bà và một chiếc thuyền gặp nạn. Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn khi vào bên trong chính điện.

Còn phía bên này là bức tranh miêu tả 6 vị lục Tướng Vương Gia, 6 vị này được thờ ở trong gian hậu điện mà lát nữa chúng ta sẽ vào tham quan.

Bây giờ, tôi để cho quí khác một vài phút để chụp hình, sau đó chúng ta sẽ vào tham quan chính điện. 

Kính thưa quí khách, hiện nay chúng ta đang đứng trước bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và bà Thiên Hậu Thánh Mẫu - Nữ thần biển "Thiên Hậu Thánh Mẫu". Người đã giúp họ tránh hoạn nạn, giông bão khi họ phiêu bạt trên biển. Bà là vị thần được đặc biệt coi trọng không những ở nơi đây mà ở tất cả các miếu của người Hoa ở Hội An và những nơi mà người Hoa sinh sống. Vì ngày xưa trên bước đường lưu lạc tứ xứ, người Hoa thường đi bằng tàu thuyền mà theo tương truyền thì bà thiên Hậu là người họ Lâm ở tỉnh Phúc Kiến, lúc nhỏ bà là một đứa bé bị câm. Năm lên tám tuổi bà được một ông tiên cho theo học đạo và đến năm 16 tuổi Bà được ông tiên ban cho phép thần thông hô mưa, gọi gió. Và ông ban cho Bà phép thuật với điều kiện chỉ làm những việc thiện. Bà được gọi là nữ thần của biển cả, hay nữ thần phù hộ cứu giúp những người đi biển. Hay theo Sách “Phong thần diễn nghĩa” cho biết “Thiên Hậu là một cô gái sinh ở đảo My Châu gần Hưng Hoá, người này thì nói là sống ở thế kỷ thứ VIII, người khác lại nói ở thế kỷ thứ X. Bà đặc biệt sùng kính Quan Âm và không chịu lấy chồng. Bốn người anh bà đều buôn bán trên biển và mỗi người có một con tàu do họ làm chủ. Một buổi chiều, khi những người anh đi xa, bà bị bất tỉnh. Sau những cố gắng lâu ngày, người ta làm cho bà sống lại nhưng bà than phiền mình được gọi về quá sớm. Lúc đó người ta chẳng hiểu bà muốn nói gì. Nhưng vài hôm sau, ba người anh trở về tay không: một trận bão đã đánh vào những con tàu của họ. Những tưởng mình đã chết, nhưng có một cô gái hiện ra đưa họ tới nơi ẩn nấp, chỉ có người anh cả không được cứu thoát. Lúc đó người ta mới hiểu được những lời của bà: chính bà đã đi cứu những người anh gặp nạn. Ít lâu sau, bà mất”.


Người Hoa những khi có việc cầu xin bà phù hộ thường mang lễ vật đến làm lễ dâng hương. Sau đó họ thường cúng cho bà những Khoanh Nhang Đại và họ cũng cúng cho hội quán dầu hỏa để thắp đèn trên bàn thờ của Bà. Những Khoanh Nhang này lớn lắm, có thể cháy đến một năm mới hết. Người trong coi hội quán sẽ lấy lần lượt các khoanh đốt dần, cái nào hết thì treo cái khác lên. Trên các khoanh nhang người ta thường hay viết một tờ giấy có ghi họ tên đầy đủ của cả gia đình, địa chỉ... để mong muốn được bà phù hộ độ trì cho công việc được làm ăn thuộc buồm xuôi gió. Hàng năm vào ngày 23 tháng 3 Âm Lịch người Trung Hoa nói chung, và người Phúc Kiến nói riêng tổ chức lễ vía của bà rất lớn và linh đình. Tại đây diễn ra nhiều hoạt động lễ hội thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham gia.

Bên phải thờ thần Thiên Lý Nhãn tức là vị thần có tài nhìn xa vạn dặm, và bên phải thờ thần Thuận Phong Nhĩ là vị thần có tài nghe xa nghìn dặm, được tạc rất đẹp bởi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân làng Kim Bồng. Họ là 2 vị thần phụ tá cho bà Thiên Hậu Thánh Mẫu phát hiện những người gặp nạn trên biển để bà cứu giúp.

Bên trái chính điện, người ta trưng bày mô hình chiếc thuyền của các thương nhân gặp nạn dùng để đi biển trước đây có niên đại từ năm 1875 với nhiều chi tiết cụ thể. Điều đáng chú ‎ý nhất trên chiếc thuyền là đôi mắt. Người Hội An quan niệm rằng, con người, con vật đều có mắt để nhìn đời và nhìn vào lòng mình thì các đồ vật gắn với vận mạng của con người cũng phải có mắt. Chính vì thế, chiếc thuyền này được vẽ 2 con mắt hai bên, to và rõ để nhìn thấy những tai ương trên biển khơi. 

Bây giờ mời quí khách chúng ta cùng tham quan khu Hậu điện. Phía trước mặt quý khách đây là nơi thờ của 6 vị Lục Tánh Vương Gia, 6 vị này gồm Khâm Vương, Trương Vương, Thuấn Vương, Chu Vương, Hoàng Vương và Thập Tam Vương. 6 vị tướng người Phúc Kiến này dẫn đầu trong phong trào phản Thanh phục Minh nhưng bị thất bại và họ đã hi sinh. Sau khi thất bại con cháu của họ phải lưu lạc sang sinh sống ở rất nhiều nơi trong đó có Hội An và những người sang đây sinh sống đều trung thành với nhà Minh nên cộng đồng người Phúc Kiến đã thờ 6 vị tướng này và xem họ như tổ tiên của mình. Hằng năm ở đây có tổ chức ngày giỗ tổ cho 6 vị này vào ngày 16/2 âm lịch, nhưng trước đó một ngày, nhiều người đã đến dâng hương. Hội quán cũng cúng chay , cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, người khỏe mạnh. Đây cũng là dịp để gặp gỡ đồng hương, thân thuộc đến từ nhiều tỉnh xa như Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế và các nơi trong tỉnh.


Bàn thờ bên phải là nơi thờ tượng lớn của 3 Bà Chúa Sinh Thai, một Bà có nhiệm vụ nặn ra hình hài đứa trẻ. Hai Bà phái dưới là một Bà khai sinh và một Bà khai tử. Ở dưới thấp là 12 Bà Mụ, mỗi Bà có nhiệm vụ chăm sóc đứa trẻ mỗi tháng trong 12 tháng đầu đầu tiên. Vì thế khi đứa trẻ chưa đầy một năm tuổi, khi chúng cười hay nói gì đó, người ta cho là các Bà dạy, hoặc khi chúng bị té ngã nhưng không bị thương gì, người ta cho rằng có bà Mụ che chở. Chính vị vậy mà người ta thường hay tổ chức thôi nôi hay đầy tháng để tỏ lòng biết ơn các Bà Mụ. Ngày xưa, trong buổi lễ người ta thường hay chuẩn bị 12 miếng trầu, 12 miếng cau để dâng cúng 12 Bà Mụ và có riêng một lá trầu và một quả cau cho Bà Chúa Sinh Thai. Cũng chính vì sự linh thiêng này mà Hội Quán còn là nơi để cho ngững người hiếm muộn về đường con cái đến đây cầu tự.

Còn phía bàn thờ bên trái là nơi thờ Thần Tài. Vị thần bên trái là Thần Tài Trắng hay còn gọi là Phúc Thần, là vị thần ban của cải, phước lộc. Vị thần bên phải là Thần Tài Đen hay còn gọi là Pháp Thần, là vị thần trừng phạt ngững người sử dụng tiền bạc không phù hợp với đạo lý. Đã có rất nhiều người đến đây để thắp hương cầu tài, cầu lộc và rút xăm đầu năm. 

Bây giờ, chúng ta sẽ dừng lại ở đây trong một vài phút để quý‎ khách chụp hình, sau đó chúng ta sẽ rời Hội Quán theo lối cửa hông của dãy nhà đông tây. Đó là nơi thờ các bài vị của những người thành lập nên Hội Quán này và những người quyên góp tiền của xây và trùng tu Hội Quán.

Nguồn: Bruce Nguyen Tour Guide
- - 1 bình luận
CHUYÊN MỤC :

BÌNH LUẬN (1)

Một số lưu ý khi bình luận

Mọi bình luận sai nội quy sẽ bị xóa mà không cần báo trước (xem nội quy).

Bấm Thông báo cho tôi bên dưới khung bình luận để nhận thông báo khi admin trả lời.

Để bình luận một đoạn code, hãy mã hóa code trước nhé!