Đến Đà Nẵng, du khách hay nhắc đến Ngũ Hành Sơn, một danh lam thắng cảnh của Quảng Nam mà người dân xứ Quảng không ít thì nhiều cũng một lần tham quan 5 ngọn núi Ngũ Hành được liệt vào trong di tích văn hóa lịch sử của đất nước. 

Khách du lịch đến Ngũ Hành Sơn không khỏi ngạc nhiên về cảnh trí thiên nhiên kỳ lạ in ra như một bức tranh cảnh của Trung Hoa dồn dập xuất hiện trên bãi biển Ðà Nẵng làm cho du khách phải chóa mắt và có cảm tưởng như tự mình không làm sao dừng chân để thưởng thức hết cảnh đẹp của non nước này.

Ngũ Hành Sơn là một cụm 5 hòn núi ở cách thành phố Ðà Nẵng chừng 7 cây số về phía Ðông Nam trên một bãi cát mênh mông gần bờ biển, thuộc làng Hoà Khuê, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. 

1. Tên gọi:

Cụm núi này có 5 hòn mang tên: hòn Kim, hòn Mộc, hòn Thủy, hòn Hỏa, hòn Thổ. Từ trước đến nay, người ta đặt cho nhóm núi này nhiều tên. Người Việt đặt tên nó là Ngũ Chỉ là năm ngón tay vì từ trên không nhìn xuống thì thấy như năm ngón tay ấn xuống đất, người dân Quảng Nam thì gọi nó là Núi Non Nước, và người Pháp ghi trên bản đồ địa dư và đặt tên nó là Núi Cẩm Thạch, và danh từ Ngũ Hành Sơn là do Vua Minh Mạng đặt cho nó.

2. Lịch sử phát hiện:

Sau cuộc Nam tiến dưới thời Vua Lê Thánh Tôn vào thế kỷ 15, người Chàm bị đẩy lui vào phía Nam, Ngũ Hành Sơn từ đó được tu bổ và xây dựng thành một thắng cảnh của nước Việt. Dưới thời Tây Sơn, Ngũ Hành Sơn bị tàn phá nhiều, vì quân Tây Sơn nghi là người Chàm đem vàng và của qúy cất dấu trong kho tàng ở Ngũ Hành Sơn. Tin truyền Chúa Nguyễn Ánh có lần bị thất trận với Tây Sơn ở Quảng Nam, Ngài đã chạy ẩn trốn ở Ngũ Hành Sơn và nhờ một vị tiên chỉ đường thoát nạn và cứu quân sĩ khỏi đói, vì thế sau khi lên ngôi Hoàng Ðế, Ngài phong tước cho núi này nhất là hòn Thủy Sơn. Ðến đời Vua Minh Mạng, thì Nhà Vua đã nhiều lần viếng Ngũ Hành Sơn, và cho xây dựng thêm chùa Tam Thai và điện Hoa Nghiêm, đúc chuông và đúc nhiều tượng Phật và tu sửa các chùa đền bị hư hại.

Vào tháng 6 năm 1825, vua Minh Mạng đã đi thuyền rồng theo sông Cổ Cò để ngự lãm Hòn Non Nước. Chính nhà vua năm đó đã dựa vào thuyết Ngũ Hành của Kinh Dịch mà đặt tên cho cụm núi cẩm thạch này là Ngũ Hành Sơn cùng các tên cho năm hòn núi trong cụm là Kim Sơn (núi Đùng), Mộc Sơn (Núi Mồng Gà), Thuỷ Sơn (Núi Chùa), Hoả Sơn (Núi Ông Chài) Thổ Sơn (Núi Đá Chồng). Năm đó nhà vua đã lên bộ thăm Thuỷ Sơn là hòn núi lớn nhất và đẹp nhất, nằm ở phía bắc cụm núi. Cũng vào năm này, nhà vua chỉ dụ xây dựng Chùa Phổ Đà trên núi này, đồng thời đặt tên cho nhiều hang động trong các núi như các động Hoa Nghiêm, Huyền Không, Linh Nham, Lăng Thư, Thiên Phúc, Thiên Lãng, Tàng Chân, Vân Thông, Tam Thanh, cho làm đường tam cấp lên Chùa Phổ Đà.

Năm sau, 1826, vua Minh Mạng lại chỉ dụ đúc 9 tượng Phật và 3 cái chuông lớn bằng đồng cho Chùa Phổ Đà và đổi tên chùa thành Chùa Tam Thai.

Mười năm sau, tức năm 1837, vua Minh Mạng đến ngự lãm Ngũ Hành Sơn một lần nữa và cho dựng bia đá khắc ba chữ Hán "Vọng Giang Đài" trên một trong ba ngọn núi của Thuỷ Sơn.

3. Sự hình thành và cấu tạo địa chất theo khoa học:

Theo các nhà địa chất học, quần thể Ngũ Hành Sơn vốn là những hòn đảo nhỏ nằm giữa biển Đông và dần được nối vào đất liền sau khi đồng bằng Quảng Nam được hình thành do sự vận động nâng lên của dãy Trường Sơn và sự bồi đắp của con sông Thu Bồn cùng các nhánh sông của nó. Hiện nay, bờ biển đã rút ra xa cách quần thể núi khoảng 800 mét, tạo nên khu danh thắng với quần thể núi non độc đáo và hấp dẫn.

Núi trong quần thể núi Ngũ Hành Sơn mang tính chất của núi đá vôi Việt Nam, do ở vùng nhiệt đới lắm nắng, mưa nhiều nên đá vôi lâu ngày bị hòa tan tạo ra những cảnh đẹp hết sức kỳ bí và huyền ảo, nhất là trong các hang động.

4. Truyền thuyết dân gian về sự hình thành 5 ngọn núi:

Sự ra đời của Hòn Non Nước có một truyền thuyết dân gian hấp dẫn. Truyền thuyết dân gian thần Kim Quy và trứng Rồng của Long Quân kể lại rằng: 

Ngày xửa ngày xưa, nơi đây là một bãi biển hoang vu, vắng bóng người, có tiếng gió gầm rít và tiếng sóng biển ầm ào. Tại đây sống một ông lão độc thân trong một túp lều tranh. Ông lão đến từ đâu và làm gì không ai biết. Người ta truyền miệng rằng ông lão là một ngư dân bị đắm thuyền ở phương bắc trôi dạt tới và được Thần Kim Quy cứu sống và đưa đến đây. Có người nói rằng ông lão là người phương bắc phiêu bạt đến đây và không phải là người địa phương nên không nói được tiếng Chăm của thần linh.

Một buổi sáng bỗng dưng trời đất tối sầm lại, biển giận dữ nổi sóng gió tràn vào bờ. Trong tiếng gào thét của thiên nhiên từ ngoài biển khơi xuất hiện một con Giao Long khổng lồ. Đó là Thần Long Quân. Vua Rồng bơi vào Vũng Thùng (tức Vịnh Đà Nẵng ngày nay) tìm chỗ đẻ trứng, nhưng không được vừa ý, liền phóng nhanh đến bãi biển nơi ông lão đang sống, biến vùng đất đi qua thành dòng sông Hàn Giang. Giao Long quằn quại trên bãi biển làm mặt đất rung chuyển, cát bay mù mịt tạo thành những rảnh và khe mà sau này chúng trở thành các con sông Cẩm Lệ và sông Vĩnh Điện... Túp lều của ông lão suýt bị cuốn bay. Cuối cùng một tiếng sét như sấm rền vang và dưới bụng Giao Long từ từ lăn ra một quả trứng thần khổng lồ. Sau đó Vua Rồng quay ra biển và mất dạng.

Một lát sau một con Rùa Vàng to lớn xuất hiện, đó là Thần Kim Quy. Thần Kim Quy liền đào cát biển và vùi quả trứng thần xuống đất rồi tiến đến trước mặt ông lão và bảo rằng: "Ta là Thần Kim Quy, ta muốn nhà ngươi ra sức bảo vệ giọt máu này của Long Quân". Ông lão bàng hoàng lo sợ, lúng túng trả lời: "Lão tuổi già sức yếu, làm sao có thể đảm đương được công việc khó khăn và trọng đại này?" Thần Rùa Vàng liền trao cho ông lão một chiếc móng của mình và nói: "Ngươi đừng lo! Hãy giữ chiếc móng này của ta, hễ khi gặp gì nguy biến thì đặt chiếc móng này bên tai và ta sẽ có cách giúp ngươi". Ông lão nhận chiếc móng Rùa Thần và hứa "Lão xin hết sức cố gắng", Rùa Vàng quay ra biển và biến mất dưới làn nước xanh. Từ đó ông lão trở thành người bảo vệ quả Trứng Rồng.

Một hôm bỗng xuất hiện một chiếc xe trâu đang lao nhanh tới, trên xe là một số binh lính lạ mặt hung dữ, tay lăm lăm binh khí. Ông lão hết sức lo sợ rằng chiếc xe lăn qua cũng đủ làm vỡ quả Trứng Rồng. Sực nhớ tới lời dặn của Thần Kim Quy, ông lão liền đưa chiếc móng thần lên tai thì nghe một giọng nói nhỏ: "Hãy nằm xuống ngay! Hãy nằm xuống ngay!. Ông lão vừa nằm xuống thì lập tức hiện ra một con Cọp Trắng là Thần Bạch Hổ đứng trước chiếc xe trâu. Bọn lính lạ mặt trên xe sợ quá vội cho xe quay ngoặt chạy trốn. Nhờ thế mà Trứng Rồng được bảo vệ.

Từ đó ông lão càng hết lòng bảo vệ Trứng Rồng. Ông dỡ túp lều tranh của mình để che cho Trứng Thần. Trứng Rồng mỗi ngày một lớn hơn, chiếm hết không gian của túp lều nhỏ bé của ông lão. Ông lão lại đào cát để phủ kín cho Trứng Thần. Nhưng Trứng Thần đội cát nhô lên mãi. Không những Trứng Thần nhô lên cao mà còn phình rộng ra và chiếm một vùng đất lớn. Vỏ quả Trứng Thần ánh lên nhiều màu sắc rực rỡ lấp lánh như một viên ngọc khủng lồ.

Một hôm ông lão vừa chợp mắt thì nghe thấy tiếng lửa cháy. Thì ra bọn người lạ mặt hôm xưa lén lút quay trở lại phóng lửa đốt túp lều tranh của ông lão. Ông lão lại cầu viện đến Thần Rùa Vàng. Bỗng Trứng Thần lớn nhanh như thổi và vỏ nứt ra làm năm mảnh: Mỗi mảnh biến thành một khối núi đá cẩm thạch bên trong có hang động. Ông lão ngạc nhiên thấy mình ở trong một hang đá rộng rãi, thoáng mát, có đủ giường chiếu. Ông lão vừa ngả mình trên giường thì ngủ thiếp luôn không hề biết phép lạ đang tiếp diễn: Một cô gái là Thiên Nga xinh đẹp, dịu dàng xuất hiện trong hang và trên vách đá cẩm thạch của hang chảy ra dòng sữa trắng để nuôi dưỡng cô gái. Thiên Nga sống một mình bên cạnh ông lão đang triền miên trong giấc ngủ kéo dài mười lăm năm nhưng cô gái vẫn không hiu quạnh vì có đàn khỉ luôn nhộn nhịp ở quanh mình và luôn luôn đi hái quả rừng đem về cho cô gái ăn. Cô gái lớn lên theo tháng năm và càng lớn lên cô gái càng xinh đẹp.

Một ngày nọ ông lão tỉnh giấc và ngạc nhiên nhìn thấy Thiên Nga kiều diễm ở bên mình. Cô gái reo lên: "Cha ơi! Cha đã dậy, con vui mừng biết mấy. Con là con gái của Long Quân. Mười lăm năm qua, ngày nào con cũng theo dõi hơi thở của cha và mong đến ngày hôm nay!"

Ông lão ngơ ngác nhìn xung quanh không thấy quả Trứng Thần khổng lồ đâu nữa mà chỉ thấy năm ngọn núi đá cẩm thạch lớn với rừng cây rậm rạp, chim muông đông đúc. Ông lão quay nhìn đầu giường và vẫn thấy chiếc móng rùa còn đó, vội vàng cầm lên và áp vào tai . Thần Kim Quy mách cho ông lão và cô gái đường ra khỏi hang đá và những điều cần làm khác.

Từ đó, một già một trẻ sống bên nhau những ngày hành phúc. Nhưng một hôm, toán người lạ mặt lần thứ ba không rõ từ đâu lại tới, gươm tuốt sáng loáng, bổ vây các hòn núi cẩm thạch để bắt sống ông lão và cô gái đem đi. Nhưng Rùa Thần liền tạo ra một vành đai lửa dày đặc thiêu cháy hết bọn người lạ mặt hung dữ không để một tên nào chạy thoát.

Sau đó, hai cha con ông lão sống bình yên bên nhau. Nhân dân quanh vùng lấy làm lạ về cảnh núi rừng và con người xuất hiện tại địa phương mình. Họ kéo nhau đến gặp ông lão và cô gái để xin thuốc và cầu khẩn nhiều điều. Thấy nhân dân trong vùng cần thuốc chữa bệnh, cô gái gỡ những mảnh đá cẩm thạch, lấp lánh nhiều màu sắc buộc chúng lại với nhau rồi tung ra xung quanh mình. Ở những nơi đó, từ mặt đất mọc lên một loại cây kỳ lạ có hoa năm cánh màu phớt tím nở ra cả bốn mùa, gọi là hoa tứ quý. Nhân dân quanh vùng vào rừng hái loại hoa này về để chữa bệnh và không quên nàng tiên xinh đẹp.

Tiếng đồn về cô gái đến tai nhà vua. Nhà vua liền sai quân mang lễ vật đến cầu hôn cho hoàng tử. Sứ giả đến và trông thấy một ông gia râu tóc bạc phơ đang cùng cô gái hết sức kiều diễm đánh cờ gánh trên một tảng đá lớn trong hang. Ông lão lúng túng không biết nên xử trí như thế nào thì Thần Rùa Vàng từ dưới biển hiện lên báo cho ông lão biết là Long Quân đã bằng lòng chấp thuận. Đám cưới được tổ chức linh đình. Cô gái từ biệt cha nuôi lên kiệu hoa về triều, từ đó núi vắng bóng người tiên nữ. Chẳng bao lâu Thần Kim Quy lại xuất hiện mang ông lão về trời cùng chiếc móng thần. Năm hòn núi đá cẩm thạch với rừng cây và muôn thú vẫn tồn tại trên vùng đất cát ven biển cho đến tận nay mà dân gian xứ Quảng gọi là Hòn Non Nước.

5. Những thắng cảnh nổi tiếng:

Trên Thuỷ Sơn có chùa Tam Thái nổi tiếng và lớn nhất và nhiều chùa khác như chùa Linh Ứng, chùa Từ Tâm, chùa Tam Tôn và chùa Linh Đông Chơn Tiên.

Muốn lên tới đỉnh Thuỷ Sơn phải leo 156 bậc đá. Lên thăm các chùa chiền, hang động của Thuỷ Sơn, người ta có thể theo hai lối đi: Đường lên phía tây nam với 156 bậc đá dẫn tới chùa Tam Thai hoặc đường lên phía đông với 108 bậc đá dẫn tới chùa Linh Ứng. Thiện nam tín nữ và du khách thường đi lên theo đường bậc đá phía tây nam và đi xuống theo đường bậc đá phía đông.

5.1.Chùa Tam Thai:

Chùa Tam Thai là ngôi chùa cổ được xây dựng từ lâu đời, theo Thư tịch và Bia ký ghi lại thì chùa được dựng vào thời đô thị cổ Hội An mới hình thành, do Thiền sư Hưng Liên thuộc dòng thiền Tào Động của Trung Hoa đến trụ trì và lập đạo tràng từ trước những năm cuối thế kỷ 16. Năm 1825, chùa được vua Minh Mạng phong Quốc tự, đến nay chùa đã trải qua hơn 12 đời trù trì. Theo Hải ngoại Ký sự của Thích Đại Sáng, khách của Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725), vào cuối thế kỷ 17, tức năm 1695, trên đường về Trung Quốc, ông đã ghé thăm chùa Tam Thai, như vậy có thể thấy chùa đã được xây dựng trước đó và được hình thành cách đây hơn 300 năm.

Cũng chính tại ngôi chùa này, công chúa Ngọc Lan, em gái vua Minh Mạng đã đến phát nguyện đi tu suốt đời, sau đó công chúa đến ẩn tu tại chùa Phổ Đà Sơn - nằm cạnh chân ngọn Hỏa Sơn. Trong 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa là nơi gặp gỡ, họp mặt và bàn bạc chuyện quốc sự của các sĩ phu yêu nước của các phong trào: Cần Vương, Duy Tân, phong trào chống thuế và cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang Phục như: Lê Bá Trinh, Huỳnh Bá Chánh, Nguyễn Duy Hiệu; là nơi hội họp, bàn việc của Đảng bộ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ).

Hiện nay, nhà chùa vẫn còn lưu giữ Tấm Kim bài hình quả tim lửa (được đặt tại bàn thờ phía sau điện thờ chính của chùa), đây là tấm kim bài có bút tích của vua Minh Mạng ban tặng, nội dung bút tích ca ngợi Phật pháp từ bi vô lượng phổ độ chúng sanh. Chùa còn lưu giữ bức Hoành phi do vua Minh Mạng trao tặng. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa hiện vẫn còn dấu tích và cổng của khu nhà Hành Cung, nơi lưu dấu một thời vua Minh Mạng và quan lại Triều Nguyễn đã từng ngự du viếng cảnh và lập trai đàn cầu Quốc thái Dân an tại đây.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, chùa bị hư hỏng và tàn phá nhiều bởi chiến tranh và thiên tai nên đã trải qua nhiều lần trùng tu, trong đó lần trùng tu quy mô và hoàn chỉnh nhất vào năm 1995. Mặc dầu đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng chùa vẫn giữ nguyên nét kiến trúc cổ của lăng tẩm và chùa tháp kinh thành Huế.

Trước đây, chùa Tam Thai thờ Đức Phật Di Lặc ở giữa, Quan Thánh Đế Quân ở bên phải, Bồ Tát La Hán ở bên trái và Tả Phủ Hữu Phật ở hai bên cửa ra vào chùa. Hiện nay chùa Tam Thai thờ Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Phật Thích Ca, Bồ Tát Văn Phù và một số Bồ Tát khác.

5.2.Chùa Linh Ứng:

Chùa Linh Ứng được xây dựng vào những năm nữa đầu thế kỷ 17, nằm trên sườn đông của đỉnh Hạ Thai thuộc hòn Thủy Sơn, tựa lưng vào vách núi, xoay mặt ra biển.

Về sự ra đời của ngôi chùa, theo tương truyền có vị Tiền Hiền hiệu Quan Chánh, thế danh Bửu Đài sống ở làng Khái Đông thuộc xã Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn ngày nay, đã đến ẩn tu tại động Tàng Chơn và lập ra một thảo am trước động gọi là “Dưỡng Chơn Am”, sau đó ông sửa thành một ngôi chùa bằng tranh tre gọi là “Dưỡng Chơn Đường” và ngôi chùa tranh này là tiền thân của chùa Linh Ứng ngày nay.

Vua Gia Long trong một lần ngự du viếng cảnh ở Ngũ Hành Sơn, đã đến thăm và cho xây dựng lại chùa lớn hơn và đặt tên là “Ngự Chế Ứng Chơn Tự”. Đến năm 1825, vua Minh Mạng vi hành đến Ngũ Hành Sơn đã cho xây dựng lại chùa bằng gạch ngói khang trang hơn, sắc phong Quốc Tự cho chùa và đổi tên “Ngự Chế Ứng Chơn Tự” thành “Ứng Chơn Tự”. Đến đời vua Thành Thái năm thứ 14 - năm 1903, đích thân vua ngự giá đến Ngũ Hành Sơn, thăm chùa Tam Thai và Ứng Chơn Tự, tại đây vua đã tổ chức lễ trai đàn cầu Quốc thái Dân an, xét thấy chữ “Chơn” đã phạm húy nên đổi lại thành “Linh Ứng Tự” và tên này được giữ nguyên cho đến nay.

Cũng giống chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng qua năm tháng đã bị hư hỏng nhiều bởi chiến tranh và thiên tai, chùa đã qua nhiều lần được trùng tu sửa chữa, lần trùng tu lớn nhất vào năm 1985 những vẫn giữ được vẻ cổ kính. Hiện nay, chùa còn lưu giữ hai bảng vàng của vua Minh Mạng và Thành Thái ban tặng (Ngự Chế Ứng Chơn Tự Minh Mạng lục niên và Cải chế Linh Ứng Tự Thành Thái tam niên).

5.3.Bia cổ Phổ Đà Sơn - Linh Trung Phật:

Bia Phổ Đà Sơn - Linh Trung Phật là một tấm bia cổ nằm ở động Hoa Nghiêm, đây là một thạch động nhỏ, có Huyền Không Quan cổ kính, trầm mặc rêu phong, bên trong động có thờ Tượng Phật Bà Quan Thế Âm cao lớn với đôi mắt từ bi nhìn ra cửa động.

Tấm bia cổ quý hiếm này được nhà sự Huệ Đạo Minh lập năm Canh Thìn 1640; bia ghi lại việc trùng tu và tôn vinh công đức của các phật tử, trong đó có rất nhiều gia đình người Nhật Bản, Trung Hoa sống ở Hội An đến làm công đức xây dựng chùa.

5.4.Động Huyền Không

Đến với Ngũ Hành Sơn, nếu du khách không đến thăm động Huyền Không thì xem như chưa biết về Ngũ Hành Sơn. Vì đây không những là một trong những động đẹp nhất, huyền ảo nhất của khu du lịch mà còn chứa đựng trong lòng nó những giá trị tâm linh to lớn cho những người đến tham quan và cầu bái.

Trang Nghiêm Tự cổ kính nằm bên trái trong lòng động, gồm có 03 gian, gian giữa thờ Phật Bà Quan âm, gian bên trái thờ 03 vị quan Thánh (Quan Công, quan Bình và Châu Xương tượng trưng cho đức độ, trí dũng và lòng trung thành) và gian bên phải thờ Ông Tơ Bà Nguyệt. Đây là gian thờ thường có rất đông người đến lễ bái, là nơi để các đôi trai gái đến cầu nguyện được kết tóc xe tơ, mong được Nguyệt Lão buộc chặt sợi chỉ hồng trăm năm vào đôi lứa yêu nhau… Và cho cả những người hiếm muộn đường con cái đến cầu tự để mong có được con hoặc người đã có con thường đến để cầu nuôi con khỏe mạnh chóng lớn.

Thạch Nhũ Cốc nằm kế bên Trang Nghiêm Tự, du khách phải rọi đèn mới nhìn rõ, bên trong có 02 thạch nhũ đổ xuống giống như một cặp nhũ hoa. Tương truyền chiếc bên trong nhỏ nước trong còn chiếc bên ngoài nhỏ nước đục giống như sữa mẹ, tuy nhiên khi vua Thành Thái đến đây làm lễ trai đàn cầu Quốc Thái Dân An đã vô tình sờ vào chiếc thạch nhũ bên ngoài nên chiếc này hiện nay không còn nhỏ nước nữa và chỉ còn mỗi chiếc bên trong nhỏ những dòng nước mát lành suốt ngày đêm, và những người dân trong vùng vẫn thường đến hứng dòng nước này vào lọ để mang về cho trẻ nhỏ uống với mong muốn con được khỏe mạnh, hay ăn, chóng lớn và không đau vặt.

Đền thờ bà Ngọc Phi và bà Lôi Phi ở phía bên phải động. Bà Ngọc Phi hay còn gọi bà Chúa Tiên, rất linh thiêng, là nơi để du khách đến cầu tài cầu lộc. Tương truyền, bà là vợ của Ngọc Hoàng Thượng Đế hiện thân xuống hạ giới chăm lo cho đời sống muôn dân, hằng năm cứ vào ngày 02 đến ngày 08/3 âm lịch thì người dân đến cúng và lễ bái rất đông. Còn bà Lôi Phi hay còn gọi là bà Chúa Thượng Ngàn - cai quản núi rừng, là em gái của bà Ngọc Phi thường được du khách đến cầu nguyện về sức khỏe và đi đường bình an.

Chiếc trống đá thiên tạo ẩn mình trên vách động, nếu du khách úp lòng bàn tay và vỗ vào mặt trống sẽ tạo nên âm thanh vang dội cả vòm động Huyền Không.

Nếu du khách đứng quan sát kỹ vách động sẽ thấy những hình thù hết sức kỳ thú được tạo nên từ những sắp xếp tự nhiên của đá: chim hạc, chim Đà Điểu, con cò với chiếc mỏ dài, đầu con voi với chiếc vòi được thả xuống, bàn tay cầm bó hoa dân lên cao, khuôn mặt ông già giận dữ…;

Có thể nói, vẻ đẹp của Huyền Không động khó bút mục nào tả hết được bởi sự kỳ diệu, huyền bí và hết sức rũ với không gian huyễn hoặc. Ánh sáng xuyên qua màu xanh của cây cỏ từ đỉnh động chiếu xuống tạo nên vẻ đẹp lung linh, huyền ảo, gặp lúc trời nắng to ánh sáng có màu vàng lấp lánh, đây cũng là thời điểm tạo nên cảm hứng cho những tấm ảnh nghệ thuật của những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, nghiệp dư và cả không chuyên; vì thế đã có rất nhiều đoàn làm phim trong nước và nước ngoài đến quay phim ở đây (Đức, Mỹ, Hàn, Úc…). Có lẽ chính vì lẽ đó mà động đã có tên là Huyền Không.

5.5.Động Âm Phủ:

Đây là một trong những động lớn và đẹp nhất của ngọn Thủy Sơn. Động nằm biệt lập dưới chân núi, không ăn thông với các động và chùa khác trên đỉnh.

Theo lịch sử ghi lại, vua Minh Mạng trong một lần cùng tùy tùng đi thám sát động Âm Phủ đã cho người thắp tàn 12 bó đuốc mà vẫn chưa thấy đáy hang nên nhà vua đã cho người đem vào một trái bưởi và khắc tên Minh Mạng lên đó rồi đem thả xuống đáy hang, ngay ngày hôm sau người dân đã nhặt được quả bưởi này trôi dạt trên bờ biển, hiện tượng này chứng tỏ đáy hang âm phủ ăn thông ra biển.

Động còn là nơi ghi dấu những trận đánh oai hùng của quân và dân Ngũ Hành Sơn, trong đó nổi bậc là trận đánh của Đội quyết tử vào ngày 24/8/1968 với quân đội Mỹ đã tiêu diệt 160 tên địch, bắn rơi 01 máy bay trực thăng, phá hủy 02 xe tăng M113. Đội đã được khen tặng Huân Chương chiến công Hạng nhất và Nhà nước Trao tặng danh hiệu “Dũng Sỹ Ngũ Hành Sơn” cho 05 thành viên của đội.

Năm 2003, động Âm Phủ được đầu tư theo giáo lý nhà Phật về chốn cõi âm có Địa Tạng Vương Bồ tát cai quản, có Minh Vương Điện, Phán Quan Điện, Giám Kính Đài, Thiên Thai Giới và Ngục A Tỳ.

Sâu trong cùng và là nơi rộng nhất của động là Địa tạng Bảo tòa với Địa Tạng Vương Bồ tát ngự ở trên cao uy nghiêm, ngài là vị u minh giáo chủ cai quản cõi âm, ngài hiện diện ở địa ngục vì con người có quá nhiều nhục dục như: tham, sân si, hỉ, nộ, ái, ố; và Ngài là người dõi theo số phận và cứu rỗi linh hồn của chúng sanh với lời nguyền: khi nào cõi âm hết tội đồ, dương gian hết điều ác thì Người mới được trở thành Phật.

Ngoài ra, hằng năm Lễ hội Vu Lan - Báo hiếu được tổ chức tại Động Âm Phủ vào ngày rằm tháng 7 với phật tích Mục Kiền Liên xuống địa phủ báo hiếu mẹ Thanh Đề đã thu hút đông đảo du khách và nhân dân đếm tham quan và cầu nguyện cho cha mẹ.

Với ánh sáng bố trí hợp lý tạo sự lung linh, kỳ ảo và hấp dẫn cho người tham quan động Âm Phủ, du khách có cảm giác đang đi lạc vào mê cung huyền bí của thế giới u minh

5.6.Di tích văn hóa người Chăm:

Động Tàng Chơn có hang thờ thần của người Chăm, nơi đây còn lưu trữ nhiều hiện vật bằng đá có liên quan đến đời sống tôn giáo tín ngưỡng của họ.

Tại động Tàng Chơn, Linga – Yoni bằng đá được thờ rất trang trọng trong hang tối. Linga có hai phần, phân trên là khối trụ lục giác nhỏ, phần dưới cũng là khối trụ lục giác nhưng lớn và dài hơn. Còn Yoni là khối tròn, xung quanh trang trí hình vú phụ nữ căng tròn đầy sức sống, tượng trưng cho sự trù phú của vương quốc.

Như vậy, tín ngưỡng thờ Linga – Yoni tại Ngũ Hành Sơn là một nét văn hóa độc đáo của cư dân Chăm pa xưa. Nơi đây thần Silva được tôn thờ là đấng sáng tạo và hủy diệt. Tại đây, hai bên lối vào là hai hộ pháp của người Chăm.

Ngoài ra, trước chùa Linh Ứng có một bệ đá được trang trí cả 3 mặt. Mặt chính trang trí hình thần Indra (thần Sấm sét, thần chiến tranh hay thần hộ mệnh, gọi chung là Dikapala) trong tư thế ngồi cởi trần, mặc dhoti, đầu đội mũ, chân trái xếp bằng, chân phải co lên trước ngực, tay trái đặt lên đầu gối chân trái, khủy tay phải đặt lên đầu gối chân phải, đang ngồi trên mình voi, xung quanh thần có những đám mây bao phủ như hình ngọn lửa, hai bên thần có hai vũ nữ Apsara, cũng trong tư thế múa. Bên dưới mỗi vũ nữ là một con sư tử đang ở tư thế ngồi. Ở mặt trước của bệ đá là hai con sư tử ngồi ở tư thế đối nhau nhưng mặt lại quay ngược về sau. Còn hai con ở hai mặt bên thì mặt hướng về phía trước. Sư tử, được người Chăm gọi là Rimon, là hình tượng phổ biến trong điêu khắc Chăm pa, đây là con vật không có ở vương quốc Chăm pa nhưng hình ảnh của nó được các vua chúa Chăm pa sử dụng như biểu tượng cho quý tộc, cho sức mạnh vì theo truyền thuyết, sư tử là một trong mười kiếp hóa thân của thần Vishnu và đã giết được quỷ Hiraya Kapipu. Nhìn chung, bệ thờ này được trang trí độc đáo và là bệ thờ đẹp nhất được phát hiện ở Ngũ hành Sơn cho đến nay.

6. Ngũ Hành Sơn trong ca dao, tục ngữ và đời sống văn hóa của người Xứ Quảng:

Ngũ Hành Sơn, cảnh quan thiên nhiên hữu tình với núi rừng, hang động, chùa chiền không chỉ là chốn thắp hương cầu Phật và còn nơi hẹn hò của những đôi trai gái yêu nhau muốn thổ lộ tâm tình với nhau.

Xung quanh giữa chị em người, 

giữa chùa Non Nước một em với chàng.

Dù chàng mà có yêu thương,

Thì chàng đắp điếm trăm đường đi cho.

Người dân xứ Quảng bao đời nay và người Đà Nẵng ngày nay rất tự hào về danh thắng Hòn Non Nước - Ngũ Hành Sơn. Một khi ở xa quê, họ thường nhớ đến các địa danh Non Nước, Hải Vân, Bà Nà, Sơn Trà... quen thuộc, thân thương như nhớ giọng hò Quảng da diết tình người.

Nhớ Hải Vân, nhớ Bà Nà,

Nhớ chùa Non Nước, câu ca giọng hò.


Họ thực sự tự hào rằng trên mảnh đất yêu quý của quê hương mình, thiên nhiên đã ưu ái tạo ra cụm núi đá cẩm thạch Non Nước tươi đẹp.

Quê em đất rộng dân nghèo,

Có Hòn Non Nước, có đèo Hải Vân.


Nói tóm lại, Hòn Non Nước - Ngũ Hành Sơn đã từ lâu đi vào tâm thức của người dân xứ Quảng như một danh thắng, như một địa linh... Bởi vậy trên lôgô biểu trưng cho thành phố Đà Nẵng loại I trực thuộc Trung ương không thể thiếu hình ảnh Ngũ Hành Sơn như một biểu tượng lịch sử - văn hoá đặc thù.

Nguồn: Bruce Nguyen Tour Guide
- - 1 bình luận
CHUYÊN MỤC :

BÌNH LUẬN (1)

Một số lưu ý khi bình luận

Mọi bình luận sai nội quy sẽ bị xóa mà không cần báo trước (xem nội quy).

Bấm Thông báo cho tôi bên dưới khung bình luận để nhận thông báo khi admin trả lời.

Để bình luận một đoạn code, hãy mã hóa code trước nhé!