Xin kính chào quý khách! Tôi xin tự giới thiệu, tôi tên là ………………………….. là Hướng dẫn viên của Công ty Du lịch ……………………. Hôm nay tôi rất vui được đồng hành cùng quý khách trong chuyến tham quan phố cổ Hội An, một trong những di sản văn hóa thế giới của Việt Nam.

Kính thưa quý khách! Quý khách đã vừa cùng các đồng nghiệp của tôi tham quan các di tích trong khu phố cổ. Và bây giờ chúng ta sẽ tiếp tục điểm tham quan tiếp theo và cũng là điểm tham quan cuối cùng trong chương trình ngày hôm nay. Đó là Nhà cổ Phùng Hưng, một trong những ngôi nhà cổ có tuổi thọ cao nhất và có lối kiến trúc độc đáo hiện còn tồn tại khá nguyên vẹn tại Việt Nam.



Trước khi bắt đầu viếng thăm nhà cổ, xin cho phép tôi được giới thiệu đôi nét về nhà cổ tại Hội An.

Kính thưa quý khách! Mỗi ngôi nhà cổ Hội An là một cá thể nổi bật trong quần thể di tích kiến trúc khu phố cổ nên rất dễ ấn tượng rằng, mỗi hạt nhân cơ bản của quần thể này là một "bảo tàng sống". Bởi, từ bao đời nay thị dân Hội An vẫn sống cuộc sống đời thường ngay trong lòng khu phố, họ gắn bó máu thịt từng công trình kiến trúc cổ với lối sống văn hóa đặc trưng của vùng đất quê hương. 

Cùng với các di tích kiến trúc trong khu phố cổ như Chùa Cầu và hệ thống lăng, miếu, đền, đình... thì hơn 1000 ngôi nhà cổ trong đô thị cổ Hội An đã làm gia tăng giá trị của di sản văn hoá thế giới này. Trải qua thời gian, những ngôi nhà cổ Hội An vẫn trầm mặc chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử và chịu sự tàn phá của thiên nhiên... Chính điều đó càng làm cho Nhà cổ Hội An thêm giá trị.

Những ngôi nhà cổ ấy đều mang một lối kiến trúc độc đáo. Đó là sự hoà trộn khá hài hoà giữa kiến trúc Việt - Hoa - Nhật, nhưng nổi bật nhất vẫn là đặc trưng cơ bản của kiến trúc truyền thống Việt Nam với lối kiến trúc nhà 3 gian và bộ vì kèo là cơ sở chịu lực chính. Mái nhà cổ ở Hội An được lợp ngói dương hay còn gọi là ngói hình ống, không quá thấp như nhà của người Nhật, không quá rộng và phô trương như nhà của người Hoa và có quy mô khiêm tốn, phong cách giản dị phù hợp với khí hậu nhiệt đới đảm bảo mùa đông ấm, mùa hè mát. 

Ngói ống trên những nóc phố Hội An được “nối” với nhau nhờ vữa hồ và mật mía. Mật mía mềm, tiết ra chất chua và đây là nguồn thức ăn không bao giờ vơi cạn của cỏ, rêu và… cây xanh trên các mái phố trầm mặc Hội An. Về mùa hè, trên các mái phố có màu “thâm” hơn vì cỏ đã ẩn mình vào ngói, và chúng kiên nhẫn đợi cho đến những ngày mưa nối nhau mới mạnh dạn bò ra xanh lên…

Kính thưa quý khách! Ở Việt Nam hiện nay, có lẽ chỉ Hội An mới còn có nhiều ngôi nhà lợp bằng ngói ống. Ngói ống là một loại ngói cong mặt trụ. Khi xếp lên các thanh đỡ trên mái nhà thì một hàng ngói được xếp ngửa và một hàng ngói được xếp úp, hai hàng ngoạm vào nhau làm cho nước mưa trôi dọc xuống mà khống rớt vào nhà. Trên mái nhà, các miếng ngói được xếp chồng lên nhau so le khoảng 3 –4 cm và ta chỉ nhìn thấy các hàng ngói nằm úp gồ lên chạy song song theo chiều dốc xuống. Các viên ngói vốn đã thẫm mầu lại thô nháp vì vậy cùng năm tháng chúng bị phủ một lớp rêu đen xỉn làm cho ngôi nhà có một dáng vẻ cũ kỹ, cổ lỗ và cam chịu. Trong rất nhiều các bức ảnh nghệ thuật chụp ảnh Hội An, ta thường thấy các dãy mái ngói âm dương cao thấp xô lệch đè bên trên những căn nhà thấp trong dãy phố hẹp. Đến nay hễ cứ nói đến ảnh đẹp về Hội An thì người ta thường nghĩ tới các bức ảnh này. 



Kính thưa quý khách! Hiện nay, ở các dãy phố bên ngoài khu phố cổ dân chúng vẫn thích lợp loại ngói ống này và các lò ngói ở làng Thanh Hà bên bờ sông Hội, người ta vẫn còn sản xuất loại ngói này.

Đây có lẽ đây là kiểu ngói du nhập từ Trung Quốc và Nhật từ các thế kỷ XVI, XVII khi mà người Hoa và người Nhật đến buôn bán, mở cửa hàng và định cư ở Hội An. Ở vùng Hoa Nam Trung Quốc và ở Nhật, vẫn còn rất nhiều khu phố cổ cũng lợp ngói ống kiểu này. Ở Hội An, kiểu ngói ống này thường thấy ở các dãy phố cổ, các ngôi chùa hoặc hội quán của người Hoa và chúng được làm bằng đất nung, có độ dày khoảng 4 – 5mm, rất rắn và nhám vì có pha cát. Mỗi miếng ngói là một hình vuông có cạnh khoảng 19 – 20cm bị uốn cong như một khúc ống bương to bị chẻ làm tư. 

Kính thưa quý khách! Có lẽ quý khách thắc mắc về sự khác nhau giữa ngói ống và ngói âm dương. Nhân đây tôi cũng xin được giải thích thêm. Ngói ống là loại ngói như chúng ta vẫn thấy trên các mái nhà cổ ở Hội An. Nó được xếp so le ngoạm vào nhau theo kiểu 1 hàng úp 1 hàng ngửa. Khi nhìn từ phía bên trong nhà ta có thể thấy các hàng ngói nằm ngửa võng xuống theo hình vòng cung. Còn ngói âm dương cũng tương tự. Tuy nhiên, ngói âm dương thì có 2 loại ngói âm và ngói dương rõ rệt. Ngói âm có mặt đế phẳng, vì thế khi nhìn từ bên trong nhà ta không thấy các đường ngói võng hình vòng cung mà vẫn thấy một mặt ngói phẳng lì. Các viên ngói dương nằm úp ngoạm vào hàng ngói âm có hình bán nguyệt vồng lên rõ rệt tạo đường rãnh cho nước mưa thoát mau mà không chảy vô nhà.

Kính thưa quý khách! Ở Hội An hiện nay chỉ có Hội Quán Phúc Kiến là nơi duy nhất lợp ngói âm dương. Tuy nhiên, nếu có dịp xin mời quý khách ghé thăm cố đô Huế. Tại Đại Nội quý khách có thể thấy rất rõ loại ngói âm dương này. Ngoài ra, các viên ngói còn được tráng men vàng gọi là ngói hoàng lưu ly, và men xanh gọi là ngói thanh lưu ly. Và đây cũng là một trong những nét kiến trúc tiêu biểu của cố đô Huế. 

Kính thưa quý khách! Hầu hết nhà cổ Hội An thường quay ra mặt phố hoặc ra sông bởi xưa kia đây là nơi phố thị phồn hoa, tấp nập người buôn kẻ bán, trên bờ dưới sông đâu đâu cũng nhộn nhịp. Chính vì thế, ngôi nhà thường là sự kết hợp giữa nơi cư trú - nơi sản xuất - và dịch vụ kinh doanh.... Dẫu vậy, ngôi nhà lại tiếp thu được những tiện ích trong kiến trúc Hoa - Nhật như có sân trời, có nhà cầu tức là nhà nối giữa nhà chính và nhà bếp qua sân trời; có gian gác dùng làm phòng ở và phòng đọc sách hay là nơi thờ tự.... 

Kính thưa quý khách! Trải qua bao thăng trầm của thời gian và thời cuộc, nhiều ngôi nhà cổ ở Hội An không chỉ giữ được nguyên vẹn kiến trúc mà chủ nhân của nó còn giữ được những vật quý hoá nhất trang điểm cho ngôi nhà đó là những bức hoành phi, câu đối sơn son mạ vàng rất điệu nghệ; là bộ đồ thờ bằng đồng, bằng bạc tinh xảo; là bộ sập gụ, tủ chè bằng gỗ tốt cẩn khảm trai ốc tỷ mỉ đã có từ khi những ông cố xây dựng ngôi nhà này....

Người Hội An, dù giàu có hay chỉ bậc trung trung cũng bầy biện trong căn nhà của mình hết sức nhã nhặn và giản dị nhưng lại toát lên vẻ cao sang. Chính điều này làm nên sức hút của nhà cổ Hội An trước du khách gần xa. Anh Christal - một du khách người Đức đã thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp độc đáo của nhà cổ Hội An: “Những căn nhà rất xinh xắn, tiện lợi, thoáng mát. Nhưng tôi thực sự ấn tượng bởi nghệ thuật kiến trúc và bài trí của ngôi nhà này. Tôi đã đi nhiều cả Nhật bản, Trung Hoa, Hàn Quốc... nhưng thấy nhà cổ ở Hội An có những nét riêng độc đáo, rất Việt Nam”. 

Kính thưa quý khách! Hiện ở Hội An còn khoảng hơn 1.000 ngôi nhà cổ. Đó chính là điểm nhấn tạo nên nét đẹp của đô thị cổ Hội An. Có một nhà nghiên cứu đã viết: “Những bức tường so le, mái liền mái xông liền xông trầm mặc; những mái ngói nhấp nhô xanh mượt mầu rêu, những bờ nóc, bờ hồi uốn cong mềm mại, những đôi mắt cửa thâm nghiêm, huyền bí, những đường nét văn hoá tuyệt vời làm cho hồn phố có sức hấp dẫn kỳ lạ. Đây là một quần thể mang dáng dấp điển hình cho kiến trúc của một cảng thị phồn thịnh xa xưa”.

Không ít du khách trong một lần ghé thăm Hội An, chiêm ngưỡng và tìm hiểu vẻ đẹp của những ngôi nhà cổ hằng trăm năm tuổi đã từng thắc mắc những hình về mắt cửa và sân trời có ý nghĩa gì?

Nét đặc trưng của Hội An mà hiếm nơi nào có được đó là mắt cửa. Ban đầu mắt cửa chỉ là chi tiết kiến trúc liên kết các cánh cửa với nhau, sau chuyển sang chức năng tín ngưỡng. Nhiều nhà quan niệm mắt cửa là vị thần giữ cửa, nhiều người khác cho rằng đó là chi tiết linh thiêng bảo trợ cho gia chủ tránh điều xấu và đạt được điều tốt lành, hình thức giống bùa linh thiêng. 

Mắt cửa thường được đặt trước cổng nhà, ở vị trí trang trọng. Sau này, một số mắt cửa được lùi vào phía trong, ở nếp nhà thứ hai. Theo cách gọi của người dân Hội An thì mắt cửa là từ chung, nhưng thực tế thì mỗi nhà gần như có một cách thể hiện và trang trí riêng. Với nhiều hình dáng khác nhau như: tròn, vuông, lục giác, bát giác... những đôi mắt cửa được chủ nhà trang trí thêm với nhiều chi tiết gắn với tín ngưỡng như hình bát quái để trừ tà, hình con dơi biểu trưng cho phúc lộc. 

Hằng năm vào ngày lễ tết, gia chủ thường lau chùi đôi mắt cửa bằng nước sạch và phủ lên tấm vải đỏ như là vật linh thiêng thờ tự. Cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời xác đáng lý giải vì sao chỉ Hội An mới có mắt cửa nhưng có thể thấy rằng trong tiến trình tiếp biến văn hoá của Trung Quốc, người dân sống ở Hội An đã tìm kiếm được mắt cửa cho riêng mình và điều này đã tạo nên hình tượng đặc thù của phố cổ Hội An.

Một hạng mục độc đáo và tiêu biểu khác của lối kiến trúc nhà cổ Hội An là sân trời - không gian thường thấy của những ngôi nhà cổ dài từ 50m - 60m của người dân phố Hội của những thế kỷ trước. Ngoài chức năng kiến trúc là tạo sự thông thóang về gió, không khí và nhiệt độ, sân trời còn được bố trí tiểu cảnh để các gia đình thưởng thức trăng thanh, gió mát và cũng là nơi để thờ tự những vị thần bảo hộ cho gia đình.

Sau một ngày buôn bán, làm việc vất vả, chủ nhà đóng cửa lại thì giếng trời chính là không gian sinh hoạt của gia đình, để các thành viên trong gia đình kiểm điểm những việc đã làm, ông bà răng dạy con cháu và tổ chức những sinh hoạt âm nhạc tại đây. Nhờ có sinh hoạt âm nhạc như vậy mà Hội An đã hình thành những nhóm nhạc gia đình như tộc La, tiêu biểu có nhạc sỹ La Hối, tộc Trương, tộc Huỳnh...

Chỉ qua chi tiết kiến trúc mắt cửa và sân trời trong những ngôi nhà cổ tại Hội An cũng đã phần nào cho thấy tính cách của người Hội An xưa: không xô bồ và luôn hướng về điều thiện. Với Hội An, nhịp sống và nhịp thời gian dường như dừng lại khi chạm vào đến từng ngôi nhà cổ. Thời gian đã khắc lên những mái nhà, thân cột, những bức phù điêu, những câu chuyện về lịch sử. Và người Hội An hôm nay vẫn đang kể lại những câu chuyện lịch sử ấy bằng những việc làm và qua nếp sống sinh hoạt hằng ngày. 

Một điều dễ thấy nữa là tất cả các ngôi nhà cổ ở Hội An đều hình ống và lấy bộ sườn nhà làm cơ sở chịu lực. Bộ sườn ấy được cấu thành bằng sự liên kết các “vì kèo”. Việc liên kết ấy được thực hiện bởi các thanh xà, đó có thể là sự liên kết bằng những thanh dầm dọc gọi là “kèo”, “kẻ” hoặc là liên kết bằng các thanh dầm ngắn xếp theo chiều ngang gọi là “con rường”. Đây cũng chính là nét độc đáo trong kiến trúc nhà cổ Việt Nam.

Kính thưa quý khách! Nếu nói về giá trị lịch sử và văn hóa thì tất cả các dãy phố cổ ở Hội An đều như nhau. Tuy nhiên, trong đó nổi bậc lên vài ngôi nhà cổ có giá trị lịch sử và văn hóa cũng như giá trị tham quan cao. Những ngôi nhà cổ này còn giữ được những nét đặc trưng tiêu biểu của lối kiến trúc cổ Hội An. Trong số những ngôi nhà này ta không thể không kể đến nhà cổ Tấn Kí, nhà cổ Quân Thắng, nhà thờ Tộc Trần và nhà cổ Phùng Hưng - nơi chúng ta sắp sửa tham quan đây. Nếu muốn tìm hiểu hơn về nhà cổ Hội An, quý khách có thể viếng thăm các ngôi nhà cổ này.

Kính thưa quý khách! Và bây giờ không để quý khách phải chờ lâu, tôi xin được hướng dẫn quý khách cùng tham quan nhà cổ Phùng Hưng.

Kính thưa quý khách! Chúng ta đang đứng trước ngôi nhà số 4 đường Nguyễn Thị Minh Khai, nhà cổ Phùng Hưng. Tên các ngôi nhà cổ ở Hội An như Phùng Hưng, Tấn Ký đều nói lên mong ước làm ăn phát đạt, hưng thịnh của các chủ nhân ngôi nhà. Đầu tiên cho phép tôi được nói sơ qua về lịch sử hình thành ngôi nhà cổ này. 



Theo những người đang sống trong nhà cổ Phùng Hưng hiện nay thì ngôi nhà này do ông tổ 8 đời của họ, một thương gia người Việt giàu có ở khu Phố Hội xưa xây dựng từ năm 1780 với vật liệu chủ yếu là gỗ quý, đặc biệt có hơn 80 cây cột trụ bằng gỗ lim. Nơi đây đã chứng kiến sự ra đời của tám thế hệ của gia đình Phùng Hưng. Hiện nay, ngôi nhà cổ này do anh Trần Quang Thành làm chủ. Nhà cổ Phùng Hưng đã được xây dựng trên hai trăm năm qua và đây cũng là một mẫu nhà đẹp nhất của lối kiến trúc kiểu này ở Hội An. Năm 1985, ngôi nhà này đã được xếp hạng nhất ở Việt Nam như một kiểu mẫu về lối kiến trúc truyền thống có giá trị văn hóa cao. Nó được coi là kiểu mẫu bởi vì nó giữ được nguyên vẹn những yếu tố kiến trúc xưa nhờ vào chất lượng tuyệt vời của vật liệu và sự chăm sóc của cả đại gia đình. Cũng như những ngôi nhà cổ khác ở Hội An, nhà cổ Phùng Hưng hình ống gồm 2 tầng, với 3 nếp nhà. Tuy nhiên ngôi nhà này lại có mặt tiền rộng và chiều sâu ngắn, khác với những ngôi nhà hình ống khác ở Hội An với mặt tiề hẹp và nhà dài. Trên mái nhà, quý khách có thể nhìn thấy các miếng ngói ống được xếp chồng lên nhau so le khoảng 3 - 4 cm và ta chỉ nhìn thấy các hàng ngói úp gồ lên chạy song song theo chiều dốc xuống.

Về phần kiến trúc, nhà cổ Phùng Hưng có kết cấu độc đáo với phần gác cao bằng gỗ và các hành lang rộng bao quanh, thể hiện sự phát triển về kiến trúc và sự giao lưu giữa các phong cách kiến trúc Á Đông tại Hội An trong các thế kỷ trước đây. Ngôi nhà này là sự kết hợp giữa 3 lối kiến trúc Hoa - Nhật - Việt. Mái tứ hải là của người Nhật. Hành lang bao quanh là lối kiến trúc của người Hoa. Còn kiểu nhà 3 gian với bộ sườn chịu lực cùng các con rường, các vì kèo là của người Việt. Lát nữa vào tham quan bên trong chúng ta sẽ thấy rõ hơn. Mặc dù cũng được thực hiện bằng chất liệu quý nhưng nhà Phùng Hưng không chạm trổ, điêu khắc cầu kỳ mà được giữ thô một cách cố ý. Hiện nay, những người sống trong ngôi nhà này là con cháu của những người đã xây cất nó. Tại đây có bán hàng lưu niệm bằng đồng, đá, gỗ, tranh thêu... Đây còn là nơi sinh hoạt thường kỳ của Câu lạc bộ thơ Đường Hội An.

Kính thưa quý khách! Bên trên cửa ra vào của ngôi nhà quý khách thấy hai khoanh gỗ tròn được trang trí bằng hai tấm nhiễu đỏ. Đây chính là đôi mắt cửa của ngôi nhà. Các mắt cửa có đường kính khoảng 20cm, bề dày khoảng 10cm được chạm khắc, thường là hình tròn lưỡng cực âm dương và các vạch bát quái xung quanh là các họa tiết mềm như 8 cánh hoa cúc. Có chiếc có hình 5 con dơi tượng trưng cho “ngũ phúc”, có mắt cửa chỉ gồm có một chữ “thọ”, cá biệt có chiếc hình vuông hoặc bát giác. Người ta đếm được tới 14 loại mắt cửa khác nhau ở Hội An. Và ở nhà cổ Phùng Hưng này thì mắt cửa có xoáy lưỡng cực âm dương với hình bát quái và xung quanh chạm trổ hình những chiếc lá đề. Người Hội An quan niệm con người, con vật đều có mắt để nhìn đời và nhìn vào lòng mình thì các đồ vật gắn với vận mạng con người cũng phải có mắt. Các chiếc thuyền ghe ở Hội An cũng được điểm vào hai bên mũi thuyền hai con mắt rất to và rõ, để nhìn thấy mọi tai ương trên biển khơi. Cái nhà, nơi mà con người sống cả đời trong đó cũng phải có đôi mắt để bảo vệ mình và cũng để mở cửa tâm hồn mình với xã hội.

Kính thưa quý khách! Một chi tiết nữa mà chúng ta không thể bỏ qua trước khi bước vào nhà đó là bậc cửa chặn ngang lối đi của cửa chính. Ngày xưa, khi làm nhà chắc hẳn chủ nhân của các ngôi nhà cổ ở Hội An đã ko vô tình mà tạo ra bậc cửa chắn ngang dưới lối đi như vậy. Có nhiều nguyên do để chủ nhân xưa tạo ra bậc cửa. Trước hết, những ngôi nhà cổ Hội An chủ yếu được làm bằng gỗ, và như vậy bậc cửa là một trong những bộ phận liên kết, giúp ngôi nhà chịu lực tốt hơn và vững hơn. Kế đến, những ngôi nhà cổ này xưa kia ngoài công dụng dùng làm nơi ở và làm ăn buôn bán ra, nó còn là nơi để thờ tự. Chính vì thế, bậc cửa chính là nơi thể hiện sự tôn nghiêm và kính cẩn của khách khi bước vào nhà. Khi bước vào nhà có bậc cửa như vậy thì khách phải thường cúi đầu xuống nhìn để ko phải vấp, và như thế thể hiện sự thành kính và tôn nghiêm trước bàn thờ tổ tiên gia chủ. Ngoài ra, bậc cửa còn có thể giúp chủ nhà nhận ra những vị khách tốt hay xấu khi bước vào nhà. Nếu ai đường đường chính, ung dung tự tại bước vào nhà thì sẽ ko sao. Còn những có tâm địa không tốt mà hấp chạy vào nhà thì nhất định sẽ vấp té ngay trước bậc cửa. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu nhà có trộm đột nhập thì trong lúc lúng túng tìm cách tẩu thoát tên trôm cũng sẽ vấp bậc cửa mà té. Như vậy việc thiết kế bậc cửa của người xưa hẳn không phải là vô tình mà là sự sắp xếp đầy ẩn ý. Kính thưa quý khách! Đất Hội An xưa một thời thuộc vùng đất của người Chămpa. Người Chăm khi xây tháp cũng gác ngang một cột đá sa thạch chắn lối cửa vào tháp. Khi vào tháp thì phải bước qua cột đá. Và có thể lối kiến trúc bậc cửa của nhà cổ Hội An được kế thừa từ văn hóa Chămpa để lại. 

Kính thưa quý khách! Như quý khách thấy, cửa đi chính của ngôi nhà là bộ cửa gỗ 2 cánh kiên cố. Tuy nhiên, quý khách có thể thấy hai bên trái - phải của cửa chính thay vì làm bằng gỗ bít lại như một bức tường, thì gia chủ lại thiết kể mỗi bên thành một bộ cửa xếp 5 cánh rất tiện lợi cho việc đóng mở cũng như có thể tháo lắp. Bởi đây là nhà buôn nên việc thiết kế cửa theo lối này ngoài việc tạo sự thông thoáng, sáng sủa cho ngôi nhà còn tạo ra một không gian rộng mở rất tiện cho việc di chuyển và xếp dỡ hàng hóa.

Kính thưa quý khách! Chúng ta đã bao quát bên ngoài ngôi nhà. Bây giờ tôi xin mời quý khách theo tôi vào bên trong để chúng ta cùng tham quan kĩ hơn.

Có lẽ nãy giờ quý khách đã mệt. Xin mời quý khách ngồi vào ghế dùng trà do gia chủ mời và cùng tôi tìm hiểu về lối kiến trúc bên trong ngôi nhà này.

Kính thưa quý khách! Từ cửa chính ngôi nhà đi vào chúng ta thấy đây là 5 hàng cột chia ngôi nhà thành 3 gian theo lối nhà cổ Việt Nam, gian giữa này rộng hơn có cửa chính nhìn thông xuống bếp, các cây cột hình tròn đứng trên các tảng đá hoa sen. Hàng cột ngoài hiên lại có hình vuông đứng trên tảng đá hình vuông liên kết với nhau bằng các “vì vỏ cua” chạm hình 2 con cá chép. Lát nữa lên gác 2 chúng ta sẽ thấy rõ hơn “vì vỏ cua” và hình chạm cá chép. Sở dĩ các cây cột gỗ trong các nhà cổ ở Hội An đều được trụ vững trên các tảng đá thanh bởi vì nơi đây hàng năm đều phải thường hứng chịu các trận lụt lội dữ dội. Và những tảng đá thanh vững chắc này sẽ giúp cho các chân cột trụ không bị thấm nước và mục ruỗng. Ngoài ra, với đế là mặt đá thanh vững chải cũng giúp cho ngôi nhà trông có vẻ bề thế và kiên cố, đồng thời cũng giúp các cột trụ chịu lực được tốt hơn. 

Ngoài ra, cũng như những ngôi nhà cổ khác trong khu phố cổ, nhà cổ Phùng Hưng tuy được làm chủ yếu bằng gỗ, song bức tường bao phía ngoài lại được làm bằng gạch và vôi vữa. Đây còn là cơ sở chịu lực chính cho ngôi nhà, đồng thời giúp cho ngôi nhà trụ vững với thời gian hơn. 

Và nóc chính của ngôi nhà được làm theo kiểu “cột trốn kẻ chuyên” quen thuộc, có nghĩa là các thanh xà hay các vì kèo được trốn vào trong các cây trụ gỗ chịu lực, và chúng ta như thấy chúng mọc ra từ các cột gỗ này. Nếp 2 của ngôi nhà cũng 2 tầng 3 gian nhưng chạy dọc ôm lấy phần sân trời với 4 cột tròn đứng trên tảng đá tròn nối với nếp 1 và nếp 3 như một hành lang. Nếp 3 cũng có vì nóc tương tự. Cầu thang lên tầng 2 đặt ở nếp này. Bây giờ xin mời quý khách lần lượt theo tôi. Chúng ta cùng lên cầu thang để lên tham quan gác hai của ngôi nhà. 

Kính thưa quý khách! Nền gác hai này được lát bằng những mảnh gỗ ghép lại. Đây cũng là đặc trưng của lối kiến trúc nhà gỗ cổ ở Hội An. Đập vào mắt chúng ta đây chính là ô cửa sập bằng gỗ nằm ngay trên sàn gác thông giữa tầng 1 và tầng 2. Đây chính là cửa để khi có lụt lội thì gia chủ có thể chuyển hàng hóa lên trên, vì đây là nhà buôn. Điều đặc biệt ở nhà cổ Phùng Hưng này so với nhà cổ Tấn Kí - cũng là một trong những ngôi nhà cổ đẹp nhất Hội An là chiếc cầu thang gỗ. Nhà cổ Tấn Kí xưa kia không có cầu thang gỗ mà gia chủ chỉ dùng thang dây để vận chuyển hàng hóa lên gác đồng thời làm lối lên gác khi cần. Sau này, những thế hệ sau của nhà cổ Tấn Kí mới cho dựng một cầu thang gỗ để tiện việc lên xuống. Đồng thời ô cửa sập cũng được dùng làm lối thông cầu thang với mặt sàn gác. Còn ở nhà cổ Phùng Hưng này thì vẫn giữ được nguyên hiện trạng của ngôi nhà cổ ban đầu. 

Xin mời quý khách nhìn sang hướng tay phải tôi. Quý khách có thể quan sát rõ hành lang chạy dài theo nếp nhà theo lối kiến trúc của người Hoa. Còn phía bên trên là bộ mái tứ hải theo lối kiến trúc của người Nhật. Mái tứ hải theo cách gọi của người Nhật có nghĩa là 4 mặt nhìn ra biển, bởi vì nước Nhật là 1 quần đảo có 4 mặt giáp biển. Tuy nhiên loại mái này lại có xuất xứ từ Trung Quốc, và ở Trung Quốc nó có tên là mái Tứ thời hay tứ thì, nghĩa là 4 mùa trong năm.

Gian giữa đây quý khách có thể thấy trang thờ thờ những vị thần biểu phù hộ. Ngày xưa người ta thường dùng tàu để vận chuyển hàng buôn đi các nơi và thông thương với nước ngoài. Vì thế việc thờ các vị thần biểu hay thần tài thể hiện sự mong muốn được phù hộ làm ăn phát đạt, phát tài cũng như xua tan được mọi rủi ro trên biển. Và ngay trước gian giữa đây chính làm 3 bức tượng gỗ của 3 vị thần Phúc - Lộc - Thọ. Còn các bức tượng gỗ này chính là những bức tượng thập bát La Hán. Tuy nhiên, qua thời gian chỉ còn có 3 bức, một số thất lạc còn một số đã bị cuốn trôi trong các trận lụt lớn. Còn bên góc phải chính là bàn thờ tổ tiên của gia chủ, thờ những người đã xây dựng nên ngôi nhà và các vị tiền bối của chủ nhân ngôi nhà hiện nay. Bên cạnh bàn thờ là chiếc tủ gỗ đựng những vật dụng sành sứ cổ mà những chủ nhân trước đây của ngôi nhà đã dùng.

Tiếp theo, xin mời quý khách nhìn lên các cánh cửa phía trước. Đây là kiến trúc cửa gỗ “thượng song hạ bản” rất tiện lợi cho việc che chắn mưa gió vào mùa đông và thông mát cho mùa hè. Các cánh cửa còn có thể được tháo rời ra rất tiện lợi. Và bên trên cửa đây chính là bức hoành phi sơn mài khảm xà cừ với 3 chữ “Đức Truyền Hinh”, có nghĩa là để lại phúc đức cho con cháu muôn đời sau. Qua đó ta có thể thấy tổ tiên của ngôi nhà là những người sống rất đức độ, luôn mong muốn để lại phúc đức cho con cháu đồng thời để lại tiếng thơm cho đời.

Và bây giờ xin mời quý khách ra hiên gác để thấy rõ hơn trần vỏ cua chạm hình cá chép như tôi đã giới thiệu lúc nãy. Theo quan niệm của người Hoa, cá chép tượng trưng cho may mắn. Đối với người Nhật, cá chép là biếu hiện của quyền lực. Còn đối với người Việt thì nó là hiện thân của sự thịnh vượng, lòng dạ bền bỉ, ý chí vươn lên. 

Kính thưa quý khách! Ngày xưa tại Hội An này vốn đã hay xảy ra lụt lội. Vì thể ngôi nhà cổ 2 tầng này còn là nơi để tránh lụt không những cho chủ nhà và hàng hóa mà còn cho cả cư dân trong vùng. Năm 1964, xảy ra trận lụt năm Thìn lớn nhất Việt Nam, nước dâng cao 2.5m, lên đến sàn gác gỗ. 160 dân đã đến đây cư trú trong 3 ngày, 3 đêm. Cuối năm 1998 và 1999 vừa qua, hai cơn “đại hồng thủy” đã một lần nữa nhận chìm cả khu phố cổ làm thiệt hại cơ sở vật chất rất lớn. Tuy nhiên, ngôi nhà cổ này vẫn trụ vững cùng thiên tai và tồn tại mãi cho tới ngày nay.

Kính thưa quý khách! Chúng ta đã tham quan xong nhà cổ Phùng Hưng và bây giờ quý khách có thêm 15 phút để tự do tham quan nhà cổ, chụp hình và mua đồ lưu niệm. Theo đồng hồ của tôi bây giờ là 16h30. Đúng 16h45 chúng ta sẽ tập trung đoàn ở phía dưới sân nhà để rời điểm tham quan về khách sạn. Chúng ta sẽ ăn tối tại khách sạn, sau đó quý khách có thể tự do tham quan phố cổ về đêm. Ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục hành trình với đảo Cù Lao Chàm trong lành. Chắc chắn quý khách sẽ có những giây phút nghỉ ngơi và khám phá thật lí thú tại đây như làng nghề, những sinh hoạt lễ hội, phong cách sống, ẩm thực...mang đậm nét của người Hội An.

Nguồn: Bruce Nguyen Tour Guide
- - 1 bình luận
CHUYÊN MỤC :

BÌNH LUẬN (1)

Một số lưu ý khi bình luận

Mọi bình luận sai nội quy sẽ bị xóa mà không cần báo trước (xem nội quy).

Bấm Thông báo cho tôi bên dưới khung bình luận để nhận thông báo khi admin trả lời.

Để bình luận một đoạn code, hãy mã hóa code trước nhé!